Đối với mỗi người dân Việt Nam, Công an hiệu không còn là hình ảnh xa lạ. Đó là biểu tượng của sự uy nghiêm, quyền lực, cũng là biểu tượng của sự an toàn và bình yên. Dưới góc độ tiếp cận từ văn hoá, Công an hiệu chính là một biểu tượng của sức mạnh văn hoá truyền thống, tinh thần người Việt, thông điệp về nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam và sứ mệnh của lực lượng CAND.
Về hình thức, Công an hiệu có dạng hình tròn, ở giữa là ngôi sao năm cánh màu vàng nổi trên nền đỏ, vành trong và vành ngoài đều màu vàng, hai bên giữa hai vành có hai bông lúa màu vàng nổi trên nền xanh lục thẫm, phía dưới ngôi sao có hình nửa bánh xe, giữa nửa bánh xe có chữ lồng “CA”, bánh xe và chữ CA màu vàng, bên ngoài Công an hiệu có cành tùng kép màu vàng bao quanh liền thành một khối. Nhìn tổng thể, Công an hiệu tạo cảm giác về sự tròn đầy, cân đối và chắc chắn, nhưng ẩn sau đó là sức mạnh tiềm ẩn của lực lượng CAND Việt Nam, lực lượng đại diện cho nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam, với lý tưởng đấu tranh cho công lý, chính nghĩa, lẽ phải và cái chân – thiện – mỹ ở đời. Do đó, các nét vẽ rất rõ ràng, liền mạch, khoẻ khoắn nhưng không kém phần uyển chuyển, linh hoạt, cho đến màu sắc cũng rất phân minh, màu nào ra màu đấy, không pha trộn. Phải chăng, đây cũng chính là một ẩn ý về sự minh bạch và tinh thần kiên quyết đấu tranh không khoan nhượng trước những âm mưu thâm độc của các thế lực phản động, nhằm chống phá Đảng, Nhà nước Việt Nam.
1. Tìm hiểu về biểu tượng, có thể dễ dàng nhận thấy, đây là một vấn đề khách quan của cuộc sống, bởi lẽ, biểu tượng có mặt trong mọi phương diện của đời sống xã hội loài người, từ quốc huy, quốc kỳ, huân chương… đến hình tượng nghệ thuật, khuôn mẫu giao tiếp, ứng xử, các nghi thức lễ hội. Về hình thức, biểu tượng có thể tồn tại rất đa dạng, thậm chí còn được ẩn trong những cái vô hình. Tuy nhiên, về cơ bản, biểu tượng thường lựa chọn cách tác động trực tiếp vào giác quan của con người, đặc biệt là thị giác và thính giác, nhằm khơi gợi cảm xúc trong tâm để từ đó biểu tỏ các tầng ý nghĩa sâu xa ẩn sau mỗi hình ảnh. Do đó, về bản chất, biểu tượng bao giờ cũng chứa đựng trong nó cái biểu đạt và cái được biểu đạt.
Bàn về biểu tượng, Từ điển Petit Larousse cho rằng: “Biểu tượng là dấu hiệu hình ảnh, con vật sống động hay đồ vật biểu hiện một điều trừu tượng, nó là hình ảnh cụ thể của một sự vật hay một điều gì đó”[1]. Nếu chiết tự theo góc nhìn từ ngôn ngữ Hán, có thể thấy, biểu tượng là từ ghép, trong đó “Biểu” có nghĩa là: "bày ra", "trình bày", "dấu hiệu", để người ta dễ nhận biết một điều gì đó. “Tượng” là "hình tượng". Biểu tượng là một hình tượng nào đó được phô bày ra trở thành một dấu hiệu, ký hiệu tượng trưng để diễn đạt về một ý nghĩa mang tính trừu tượng. Một biểu tượng luôn nhằm mục đích truyền tải thông điệp, ý nghĩa một cách ngắn gọn, đơn giản, dễ dàng và nhanh chóng, tạo hiệu ứng lan toả tối đa.
Dưới góc nhìn văn hoá, “Biểu tượng là một hình thái ngôn ngữ - ký hiệu tượng trưng của văn hoá. Nó được sáng tạo nhờ vào năng lực “tượng trưng hoá” của con người, theo phương thức dùng hình ảnh này để bày tỏ ý nghĩa kia nhằm để nhận thức và khám phá ra một giá trị trừu tượng nào đó. Biểu tượng được xem là “tế bào” cuả văn hóa và là hạt nhân “di truyền xã hội” đầu tiên của nhân loại. Nó quy định mọi hành vi ứng xử và giao tiếp của con người đồng thời liên kết họ lại thành một cộng đồng riêng biệt"[2].
2. Trở lại biểu tượng Công an hiệu, các tầng ý nghĩa được triển khai từ màu sắc đến hình ảnh. Bởi lẽ, theo quy luật nhận thức, màu sắc, hình ảnh là các yếu tố đầu tiên tác động trực tiếp vào thị giác, từ đó sản sinh các trường liên tưởng. Cụ thể:
Về màu sắc: Chỉ với 3 màu: vàng, đỏ và xanh lá cây, Công an hiệu đã đưa ra nhiều thông điệp, từ thông điệp về văn hoá qua quan niệm truyền thống của người Việt Nam, đến thông điệp về sức mạnh, uy quyền của lực lượng vũ trang quyết bảo vệ Đảng, Nhà nước và nhân dân.
Màu vàng là gam màu chủ đạo trong Công an hiệu. Màu vàng xuất phát từ tâm điểm ngôi sao vàng 5 cánh, toả ra hình ảnh bông lúa, bánh xe công lý và hai chữ cái đầu của lực lượng Công an lồng vào nhau. Màu vàng bao trọn Công an hiệu bằng hai cành tùng đơn. Trong quan niệm của người Á Đông và truyền thống văn hoá tín ngưỡng Việt Nam, màu vàng là màu của vua chúa, của quyền lực tối cao. Màu vàng cũng là màu của niềm tin mãnh liệt, của hạnh phúc, lạc quan, giác ngộ và sáng tạo. Sắc vàng rực rỡ mang lại cảm giác về sự no đủ, sung túc, giàu có. Cũng giống như màu đỏ, màu vàng, tác động tích cực tới thị giác, thiết lập đường link về những liên tưởng, niềm tin tương lai tươi sáng và những điều tốt đẹp.
Màu đỏ vốn được cho là màu của lửa và máu. Bởi thế, màu đỏ luôn biểu trưng cho sự dũng cảm, hy sinh gắn liền với sức mạnh, quyền lực cùng sự quyết tâm. Đây chính là lý do 176/220[3] quốc gia trên thế giới lựa chọn màu đỏ là gam màu chủ đạo trên quốc kỳ. Trong Công an hiệu, màu đỏ trong cùng, tạo khung nền cho tiêu điểm sao vàng năm cánh. Đây cũng là hình ảnh quốc kỳ Việt Nam, biểu trưng cho dòng máu Lạc Hồng chảy hàng ngàn năm lịch sử dựng nước và giữ nước. Màu đỏ của nhiệt huyết, của những hy sinh và khát vọng độc lập, chủ quyền dân tộc. Màu đỏ cũng biểu tượng cho “mặt trời chân lý chói qua tim” (Lời Từ ấy của Tố Hữu), biểu tượng cho sự giác ngộ “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” với những hành động mạnh, quyết liệt, và quyết thắng. Lịch sử chứng minh, 76 năm xây dựng và trưởng thành, lực lượng CAND luôn vững vàng trong mọi cuộc chiến bảo vệ Đảng, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Bầu máu nóng cách mạng luôn hừng hực khí thế Đông A mỗi khi chủ quyền lãnh thổ bị xâm phạm, tràn qua thời gian, chuyển hoá thành tinh thần quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh. Và nay, thời bình, dòng máu nóng đã hoá thành khát vọng phát triển đất nước, khát vọng về một tầm cao mới, về sự phồn vinh của đất nước, sự bình yên, hạnh phúc của nhân dân.
Màu xanh lá cây là gam màu thứ ba được lựa chọn. Theo quan niệm truyền thống của người Việt Nam, màu xanh lá biểu trưng cho thế giới thiên nhiên cỏ cây, cho sự sống của vạn vật. Trong triết lý ngũ hành, màu xanh tượng trưng cho Mộc, chủ về sự phát triển, nảy nở, sức bật vươn lên. Màu xanh lá cây cũng là màu mang lại cảm giác an toàn. Đây có lẽ là lý do chính mà màu xanh xuất hiện trong Công an hiệu. Nền tròn xanh mướt tạo cảm giác hài hoà, cân bằng như chiếc cầu kết nối hai màu vàng và đỏ, kết nối giữa lý tưởng, niềm tin và sức mạnh quyền lực mạnh mẽ. Nó cho phép chúng ta có quyền hy vọng về tương lai với khát vọng phát triển mạnh mẽ. Khát vọng đó được chuyển hoá thành mục tiêu của Đảng, Nhà nước Việt Nam trong Nghị quyết Đại hội XIII: “Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”.
Về hình ảnh: Chúng tôi muốn bắt đầu bằng biểu tượng cành tùng đơn vàng sáng rực rỡ bao quanh Công an hiệu. Theo quan niệm văn hoá truyền thống Việt Nam, “Tùng” biểu trưng cho khí phách người quân tử. Điều này xuất phát từ đặc điểm của cây tùng, một loại cây có khả năng chống chịu trước điều kiện địa chất khô cằn, khí hậu khắc nghiệt, tuyết sương, giông bão bủa vây để vươn lên và xanh tốt quanh năm. Sức sống mạnh mẽ, mãnh liệt, bất khuất của Tùng đưa Tùng trở thành hình ảnh biểu trưng cho bậc đại trượng phu, đứng đầu trong “tứ quân tử” theo quan niệm phong kiến xưa. Trở lại điển tích từ đời Tam Quốc, Tùng đã được gắn liền với hình ảnh bậc đại trượng phu. Tích xưa thuật rằng, Tào Tháo, vì quá hoảng sợ trước hiện tượng lạ lùng về cây tùng cổ thụ có đường kính mấy chục người ôm nhưng không ai chặt được nên đã phong cho cây tùng là Trượng phu Tùng, có phong quan và treo mũ. Từ đó, Tùng tượng trưng cho khí phách bất khuất của bậc quân tử, đại trượng phu. Bản lĩnh kiên cường, vững chãi cho phép Tùng vượt qua mọi khó khăn, thử thách, mọi tình huống, hoàn cảnh khắc nghiệt. Đây cũng là lý do chính mà Tùng đã đi vào thơ ca bao thế hệ, trở thành biểu tượng văn hoá chỉ vẻ đẹp, phẩm cách, khí phách người quân tử hiên ngang, dũng cảm, cứng cỏi. Đặc biệt, với Nguyễn Trãi, hình tượng cây tùng trong văn hoá truyền thống đã được nâng lên tầm cao mới, với lý tưởng mới về bậc trượng phu, quân tử. Khí phách “Dũng” trong Tùng được bổ sung bởi khí chất “Nhân” thấm trong vị thuốc trường sinh để giúp dân, trợ dân. “Hổ phách phục linh nhìn mấy biết/ Dành còn để trợ dân này”.
Hình ảnh thứ hai, bông lúa vàng chắc hạt gợi trường liên tưởng về môi trường sống của người Việt Nam, môi trường nông nghiệp gắn với nền văn minh lúa nước. Câu chuyện cây lúa là câu chuyện của lịch sử nước Việt, người Việt. Từ những “ngày xửa, ngày xưa” cho đến tận bây giờ, lúa vẫn là cây lương thực chính không chỉ nuôi sống nhân dân mà còn mang lại kim ngạch xuất khẩu cho đất nước. Bông lúa vàng chắc hạt biểu trưng cho sự no ấm, đầy đủ, được mùa, hạnh phúc của người nông dân Việt Nam. Cũng từ bông lúa, các giá trị vật chất, tinh thần của người Việt được khơi nguồn phát triển. Truyền thuyết bánh chưng, bánh giày góp phần tạo nên văn hoá tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt. Niềm tin bánh chưng vuông tượng trưng cho đất, bánh giày tròn tượng trưng cho trời đã xác lập giá trị riêng có của nền văn minh lúa nước, đồng thời đặt nền móng cho văn hoá ẩm thực đặc sắc của người Việt. Gắn bó chặt chẽ với người dân, lúa là cội nguồn của sức mạnh tinh thần phơi phới. “Việt Nam đất nước ta ơi! Mênh mông biển lúa đâu trời đẹp hơn”.
Trở lại hình ảnh hai bông lúa vàng trĩu hạt đối xứng và uốn theo góc lượn của hình tròn, theo quan niệm dân gian, bản thân số 2 cũng thể hiện sự vô cùng vô tận của tạo hoá. Số 2 cũng gắn với rất nhiều biểu tượng song hành như: hai vầng thái dương, mặt trăng - mặt trời, hai mặt âm dương lưỡng nghi trên thái cực đồ. Số 2 còn là biểu tượng của sự cân bằng, cặp đôi, âm dương kết hợp tạo ra nguồn gốc vạn vật thế gian. Hai bông lúa vàng như nhân đôi sự ấm no, hạnh phúc tròn đầy trên nền xanh mướt khẳng định khát vọng phát triển, đất nước phồn vinh của dân tộc Việt Nam.
Hình ảnh thứ ba, nửa bánh xe có lồng hai chữ CA. Từ góc độ văn hoá truyền thống, bánh xe thường được quy cho sự chuyển động tuần hoàn liên tục của vạn vật thế gian. Bánh xe chuyển động nhanh hay chậm phụ thuộc vào điểm tiếp xúc và lực đẩy. Trong văn hoá Ấn Độ cổ đại, bánh xe là hình ảnh tượng trưng cho mặt trời, cho uy quyền tối thượng, cho Chuyển Luân Thánh Vương. Cũng bánh xe ấy, trong Phật giáo, lại tượng trưng cho giáo pháp của Đức Phật và cho chính Đức Phật. Nếu Chuyển Luân Thánh Vương dùng xe báu để hàng phục các oán địch, cai trị thiên hạ, giữ yên bờ cõi, thì Đức Phật chuyển vận bánh xe pháp để nhiếp phục, đoạn trừ phiền não trong tâm thức của chúng sanh. Tuy nhiên, hình ảnh bánh xe trong Công an hiệu lại biểu trưng cho sức mạnh của công lý – một trong những giá trị cốt lõi, nền tảng của nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam, bảo vệ quyền, lợi ích của nhân dân trên tinh thần “thượng tôn pháp luật”. Đó cũng là nguyên tắc “vận hành” của lực lượng CAND.
Tóm lại, với biểu tượng Công an hiệu, sức mạnh văn hoá truyền thống, tinh thần người Việt, thông điệp về nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam và sứ mệnh của lực lượng CAND đã được khắc hoạ rõ nét. Biểu tượng đó cũng là lời thề danh dự của CAND Việt Nam. “Tuyệt đối trung thành với Tổ quốc và nhân dân Việt Nam, với Đảng Cộng sản Việt Nam, với Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, suốt đời phấn đấu, hy sinh vì độc lập, tự do, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, vì an ninh Tổ quốc”./
Trung tá, TS. Nguyễn Tuyết Lan
Trưởng khoa KHXHNV và TL, T03
[1] https://vi.wikipedia.org/wiki/động_vật _biểu_trưng
[2] Nguyễn Văn Hậu, Về tính hình tượng và tính biểu tượng trong tác phẩm văn hoá, Đại Học Văn hoá Hà Nội.
[3] https://meta.vn/hotro/quoc-ky-cac-nuoc-co-cac-nuoc-tren-the-gioi