Chiến thuật của Mỹ trong cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc hiện nay

Sau khi Tổng thống Mỹ J.Biden lên nắm chính quyền (01.2021) đã khiến tâm trạng thế giới và ngay trong nội bộ nước Mỹ bị phân làm 2 mảng. Một phần hy vọng, phần còn lại lo lắng chính quyền của Tổng thống đắc cử J.Biden sẽ rút lui khỏi cuộc cạnh tranh nước lớn với Trung Quốc do cựu Tổng thống D.Trump khởi xướng. Trong bối cảnh đó, Tổng thống Biden dường như lại tăng cường hơn nữa cuộc đối đầu, tìm cách liên kết lại, tranh thủ sự ủng hộ từ các đồng minh. Dấu hiệu đó báo hiệu cuộc chiến khốc liệt trong cạnh tranh chiến lược Mỹ-Trung giai đoạn J.Biden.

1. Chính sách cũ, đối thủ xưa, nhưng dự báo một cuộc chiến khốc liệt trong cạnh tranh chiến lược Mỹ-Trung giai đoạn J.Biden

Sau khi nhậm chức, J.Biden và các thành viên trong nội các đã nhiều lần khẳng định về chính sách cứng rắn đối với Trung Quốc. Ngay sau khi nhậm chức, tháng 02.2021, Biden có bài phát biểu, nhận định Trung Quốc là “đối thủ nặng ký nhất của Mỹ” và Mỹ sẽ chỉ hợp tác với Trung Quốc trong điều kiện phù hợp với lợi ích của nước mình. Đồng thời, ông cũng tuyên bố, Mỹ sẽ hợp tác chặt chẽ hơn với các đồng minh để chống lại Trung Quốc.

Cũng trong phát biểu tại Hội nghị an ninh Munich trực tuyến vào tháng 02.2021, Trung Quốc trở thành tâm điểm trong mọi lập luận của Tổng thống Biden. Ông nói: “Chúng ta phải cùng nhau chuẩn bị cho một cuộc cạnh tranh chiến lược lâu dài với Trung Quốc… Cuộc cạnh tranh này sẽ rất gay gắt”. Phát biểu trước Quốc hội thay cho Thông điệp liên bang ngày 29.4.2021, ông đã coi cạnh tranh với Trung Quốc là lý do để khôi phục nền kinh tế của tầng lớp trung lưu, đầu tư vào ưu thế công nghệ và duy trì sự hiện diện quân sự của Mỹ ở Thái Bình Dương, tương tự như Tổ chức hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ở châu Âu, để ngăn chặn xung đột.

Khi Hội đồng an ninh quốc gia của Chính quyền Biden ban hành Hướng dẫn an ninh quốc gia tạm thời vào ngày 03.3.2021, Trung Quốc một lần nữa trở thành “điểm nóng” với phát biểu: “Chương trình nghị sự này sẽ củng cố những lợi thế lâu dài của chúng ta và cho phép chúng ta giành ưu thế trong cuộc cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc hoặc bất kỳ quốc gia nào khác”. Trong diễn văn đầu tiên trên cương vị Ngoại trưởng, Antony Blinken gọi mối quan hệ của Mỹ với Trung Quốc là “phép thử địa chính trị lớn nhất của thế kỷ 21” và cam kết thực hiện chính sách “cạnh tranh khi cần thiết, hợp tác khi có thể và đối đầu khi bắt buộc”.

Bỏ qua màn chào hỏi mang tính xã giao như dự kiến, khi Ngoại trưởng Antony Blinken và Cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan gặp Chủ nhiệm Văn phòng công tác đối ngoại của Đảng Cộng sản Trung Quốc Dương Khiết Trì và Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị tại Alaska (ngày 18.3.2021), hai bên đã lao vào chỉ trích nhau trước giới truyền thông. Như thường lệ, Blinken “nổ súng” trước với những cáo buộc: “Các hành động của Trung Quốc, bao gồm cả ở Tân Cương, Hong Kong, Đài Loan… đe dọa trật tự dựa trên luật lệ vốn nhằm duy trì sự ổn định toàn cầu”. Đáp lại, Dương Khiết Trì mỉa mai bóng gió: “Cả Trung Quốc và Mỹ đều là những nước lớn trên thế giới… Điều mà Trung Quốc và cộng đồng quốc tế tuân theo hoặc ủng hộ là hệ thống quốc tế lấy Liên hợp quốc làm trung tâm và trật tự quốc tế được củng cố bởi luật pháp quốc tế, chứ không phải cái gọi là trật tự quốc tế dựa trên luật lệ được một số ít quốc gia ủng hộ”.

Gần đây nhất, ngày 26.7.2021, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman có chuyến công du Trung Quốc và gặp người đồng cấp Tạ Phong. Tại buổi gặp mặt, Trung Quốc đã không ngần ngại tấn công và yêu cầu Washington dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt đối với các nhà lãnh đạo, quan chức Chính phủ và các cơ quan của Trung Quốc; loại bỏ các hạn chế đối với các Viện Khổng Tử và các công ty Trung Quốc; hủy bỏ các phán quyết xác định truyền thông Trung Quốc là tác nhân nước ngoài và yêu cầu bỏ dẫn độ Giám đốc tài chính Huawei Mạnh Vãn Chu từ Canada về Mỹ. Đồng thời, Tạ Phong còn nêu ra 3 giới hạn đỏ là: Mỹ không được thách thức, bôi nhọ hoặc tìm cách phá hoại con đường và chế độ của Trung Quốc; không được tìm cách làm gián đoạn hoặc phá vỡ sự phát triển của Trung Quốc, và không được xâm phạm chủ quyền quốc gia hoặc toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc.

Và như vậy, với những phát đạn khô khốc khơi mào từ họng súng ngoại giao của cả 2 bên, báo hiệu cuộc chiến khốc liệt về cạnh tranh chiến lược Mỹ-Trung trong thời đại J.Biden.

2. Chiến thuật của Mỹ trong cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc

Để đối phó với một Trung Quốc đang trỗi dậy cùng những tham vọng lớn, chính quyền của Tổng thống J.Biden dường như đã xây dựng và hình thành được chuỗi chiến thuật nằm trong chiến lược lớn. Lá bài chiến thuật của Mỹ bao gồm:

Một là, lấy nguồn gốc phát sinh Covid-19 là điểm nghi ngờ gây mất niềm tin của cộng đồng thế giới đối với Trung Quốc.

Khi đại dịch bùng phát, nguồn gốc của virut Covid-19 luôn thu hút sự quan tâm của cộng đồng quốc tế. Bởi lẽ nếu tìm ra nguồn gốc, thì loài người sẽ tìm ra biện pháp kiểm soát được dịch bệnh. Trong trường hợp loại virut này do con người tạo ra, chúng ta hoàn toàn có thể xác lập lại cơ chế kiểm soát tránh được các trường hợp tương tự có thể dẫn tới các loại virut khác thoát ra từ các phòng thí nghiệm sinh học. Tuy nhiên, việc điều tra nguồn gốc của virut Covid-19 hiện đang rơi vào ngõ cụt. Trung Quốc thể hiện thái độ kiên quyết không hợp tác khi nhiều nước trên thế giới và tổ chức WHO yêu cầu được đến Vũ Hán nơi phát sinh đại dịch để truy vết. Không những thế, Trung Quốc còn cho rằng virut nói trên có nguồn gốc từ các cơ sở nghiên cứu sinh học từ Mỹ và yêu cầu điều tra từ phía Mỹ. Mặc dù tình báo Mỹ sau 90 ngày điều tra theo lệnh của Tổng thống J.Biden đã khẳng định: “virut Covid-19 thoát ra từ phòng thí nghiệm là không có cơ sở”, nhưng với thái độ kiên quyết không hợp tác với cả WHO của Trung Quốc khiến cáo buộc của Mỹ và phương Tây về virut thoát ra từ phòng thí nghiệm Vũ Hán càng có thêm điều kiện để lan truyền.

Hai là, lấy mối “đe dọa” từ Trung Quốc và Nga làm điểm tập hợp lực lượng, củng cố, tái liên kết đồng minh.

  Tháng 12/2017, chính quyền D.Trump nhận định Trung Quốc và Nga là hai nước theo chủ nghĩa xét lại, Mỹ phải triển khai cạnh tranh chiến lược toàn diện với Trung Quốc. Tháng 10/2019, Phó Tổng thống Mỹ khi đó là Mike Pence đã trình bày về chiến lược cạnh tranh toàn diện với Trung Quốc. Khi đó, ngoài “thương chiến” giữa hai nước liên tục leo thang, quan hệ hai bên trên các lĩnh vực như chính trị, kinh tế, ngoại giao, an ninh, công nghệ, giao lưu nhân dân cũng suy giảm toàn diện, và dư luận “rời xa” Trung Quốc ở Mỹ liên tục gia tăng.

Để tái liên kết đồng minh, khôi phục lại quan hệ với các nước châu Âu, củng cố lại khối Hiệp ước Quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO), J.Biden đã đề cập nhiều hơn về mối đe dọa từ Nga. Việc sử dụng “ngáo ộp” Nga khiến lãnh đạo của các nước trong Liên minh châu Âu (EU) lo lắng và một lẽ đương nhiên, họ phải liên kết lại với nhau dưới sự điều hành của Mỹ.

Việc xử lý mối quan hệ trong “tam giác siêu cường - Mỹ, Nga, Trung” của chính quyền J.Biden dường như cũng được tính toán kỹ lưỡng thông qua sử dụng  “lá bài Nga nhằm tập trung sức mạnh cho việc đối phó với Trung Quốc. Kể từ khi quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc bắt đầu “tụt dốc” vào cuối những năm 2000, ở Washington đã có ý kiến về việc sử dụng “lá bài Nga” để cân bằng với Trung Quốc. Nhưng mức độ phụ thuộc lẫn nhau giữa Mỹ và Trung Quốc cũng như việc Washington hạ thấp vị trí của Moskva trong ưu tiên chiến lược của mình có nghĩa là rất ít người theo đuổi “lá bài” này trong việc thiết lập chính sách đối ngoại của Mỹ. Sự xuất hiện ngày càng nhiều tác nhân gây khó chịu trong quan hệ Mỹ-Nga vào những năm 2010 càng khiến Washington chưa thể coi trọng vai trò của Nga trong việc cân bằng thế giới có lợi cho Mỹ.

Trong giai đoạn J.Biden, bên cạnh việc đưa Nga trở thành “ngáo ộp” dọa dẫm các nước phương Tây, chính quyền đương nhiệm cũng đồng thời tìm “hướng mở” nhằm cải thiện quan hệ với Nga. Bởi lẽ, sự thống nhất trong giới cầm quyền Mỹ trong vài thập niên trở lại đây đều cho rằng, mối đe dọa lớn nhất và nguy hiểm nhất đối với vị thế của Mỹ đến từ Trung Quốc. Trong trường hợp phải đấu với cả 2 (Nga và Trung Quốc) thì giành được thắng lợi của Mỹ là điều hết sức khó khăn. Chính vì vậy, “hòa Nga, đấu Trung” - “bổn cũ soạn lại” có thể một lần nữa lại được Washington sử dụng để đối phó với Trung Quốc. Cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ J.Biden và người đồng cấp Nga V.Putin tại Geneva (Thụy Sỹ) vào tháng 6.2021, dù chưa xóa bỏ được sự hoài nghi cố hữu về khả năng điều chỉnh lại quan hệ giữa Mỹ và Nga, nhưng ý tưởng về việc “hòa Nga, đấu Trung” được các nhà bình luận xem như đã dần hiển hiện.

Ba là, lấy tăng cường quan hệ với Đài Loan làm lá bài ngăn chặn, khống chế sự bành trướng, bá quyền của Trung Quốc

Đài Loan luôn nổi lên như là một trong những vấn đề trung tâm trong quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc kể từ năm 1971. Ngoại trưởng Mỹ lúc đó Henry Kissinger bí mật đến Bắc Kinh để tìm kiếm sự hợp tác của Trung Quốc trong việc đàm phán tìm một giải pháp rút khỏi Việt Nam và chống lại quân đội Liên Xô. Thủ tướng Trung Quốc khi đó Chu Ân Lai đáp lại rằng Trung Quốc chỉ có một yêu cầu: Mỹ hợp tác với Trung Quốc trong vấn đề Đài Loan. Chu Ân Lai nói rằng cuộc cách mạng của Trung Quốc chưa thể hoàn thành và quan hệ Mỹ-Trung chưa thể tiến triển cho đến khi sự nghiệp thống nhất Đài Loan hoàn thành.

Đặc biệt thời gian gần đây, với những tuyên bố mạnh mẽ từ phía Bắc Kinh “thu phục Đài Loan bằng mọi cách, kể cả biện pháp quân sự” và sự đáp trả không kém phần cứng rắn từ phía chính quyền Đài Loan cùng những hoạt động ủng hộ cả về phương diện ngoại giao, quân sự từ phía Mỹ và phương Tây thì Đài Loan được coi là “nơi nguy hiểm nhất trên Trái đất”. Bởi những thành công của Đài Loan trong mấy chục năm qua cùng chính quyền Đài Bắc có nguy cơ bị hủy diệt nhanh chóng do tình trạng đối đầu ngày càng tăng giữa Mỹ và Trung Quốc.

Mọi chính quyền Mỹ sẽ không từ bỏ và tiếp tục ủng hộ Đài Loan bởi đây là quân bài với vị trí địa chiến lược cực kỳ quan trọng vừa nằm cạnh Trung Hoa đại lục, vừa là vị trí án ngữ có thể có thể khống chế lối ra biển khơi, ngăn chặn con đường tơ lụa trên biển thế kỷ XXI và là nhân tố quan trọng phá hỏng chiến lược “Vành đai và Con đường” cũng như “Giấc mộng Trung Hoa” của Trung Quốc. Chính vì vậy, ngoài việc hỗ trợ Đài Loan trên phương diện chính trị, ngoại giao thì gần đây các hoạt động quân sự thông qua các thỏa thuận mua bán vũ khí; sự xuất hiện với tần xuất cao của các phương tiện chiến tranh tại eo biển Đài Loan của Mỹ và phương Tây mà phía Trung Quốc cáo buộc là “lát cắt salami” khiến quan hệ Mỹ-Trung càng trở nên căng thẳng. Phát biểu trước Quốc hội, Ngoại trưởng Mỹ Blinken khẳng định, ông sẽ thúc đẩy các cuộc đàm phán về một thỏa thuận thương mại tự do với Đài Loan và mời Đài Loan tham dự Hội nghị thượng đỉnh vì dân chủ mà Mỹ dự kiến tổ chức cuối năm 2021. Đồng thời, Mỹ đã có một loạt động thái phá vỡ tiền lệ khi đưa Đài Loan vào các tuyên bố hội nghị thượng đỉnh với Nhật Bản, Hàn Quốc và nhóm G-7.

Bốn là, lấy rút quân chiến thuật khỏi Afghanistan làm đường mở cho sự liên kết giữa Taliban, các tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) và al-Qaeda với người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương Trung Quốc.

Sau 20 năm đưa quân vào can dự trực tiếp (kể từ sau khủng bố vào trung tâm nước Mỹ ngày 11.9.2001),  ngày 08.7.2021, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tuyên bố đẩy nhanh tốc độ rút quân khỏi Afghanistan  (hoàn tất rút quân vào ngày 31.8, thay vì ngày 11.9 như dự kiến). Tuyên bố rút quân có đoạn: “Mỹ không thể tiếp tục đeo bám các chính sách được tạo ra để đối phó với 1 thế giới như cách đây 20 năm. Cần phải đối mặt với những mối đe dọa mới đang hiển hiện hôm nay”. Thoạt nhìn, có thể đánh giá đây là sự thất bại của Mỹ ở chiến trường Afghanistan sau 20 năm ròng rã chiến chinh. Tuy nhiên về sâu xa, đây lại là một trong những chiến thuật của Mỹ, bởi Afghanistan tiếp giáp với lãnh thổ của Trung Quốc. Việc rút quân khỏi chiến trường này sẽ tạo điều kiện cho Taliban trỗi dậy, các tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) và al-Qaeda nhen nhóm trở lại, đồng thời cũng tạo ra cơ hội cho sự liên kết giữa các lực lượng Hồi giáo trong, ngoài Trung Quốc, nhất là giữa người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương với các lực lượng Hồi giáo bên ngoài. Không cần che đậy, Biden tuyên bố một cách thẳng thừng rằng “việc rút quân là để tập trung đối phó với Trung Quốc”.

Năm là, nỗ lực tái thiết Bộ tứ kim cương, đẩy mạnh Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và cởi mở và xây dựng B3W ngăn chặn chiến lược “Vành đai và Con đường”; tăng cường tái lập và mở rộng quan hệ với các nước khu vực Đông Nam Á.

Nhóm Bộ tứ và chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương được thiết lập từ thời D.Trump là một liên minh an ninh nhằm đối phó với Trung Quốc. Mục đích của Bộ tứ là kiềm chế sự phát triển sức mạnh hàng hải của Trung Quốc, làm suy giảm ảnh hưởng của Sáng kiến “Vành đai và Con đường” ở Ấn Độ Dương và ngăn chặn sức mạnh hàng hải của Trung Quốc từ phía Nam ra đại dương. Sau khi nhậm chức Tổng thống, Biden tuy có cách tiếp cận khác Trump trong việc giải quyết nhiều vấn đề quốc tế và có một số điều chỉnh trong việc xử lý quan hệ với Trung Quốc, nhưng nhóm Bộ tứ lại có xu hướng được củng cố và đẩy nhanh tốc độ triển khai và có dấu hiệu mở rộng thành viên; phát triển thành một phiên bản kiểu Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), cũng như mở rộng phạm vi bao phủ đến khu vực Đông Nam Á. Theo các nhà bình luận của Trung Quốc, nhóm Bộ tứ hiện có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến sự ổn định của khu vực xung quanh nước này, an ninh khu vực Biển Đông và hạn chế sức sống của Sáng kiến “Vành đai và Con đường”. Nhưng về lâu dài, theo họ nó không thể ngăn cản Trung Quốc tiến lên, cũng không thể trở thành một “NATO phiên bản châu Á”.

Đặc biệt, tại Hội nghị Thượng đỉnh G20 (6.2021), Tổng thống Mỹ J.Biden đã đưa ra chiến lược: Xây dựng lại thế giới tốt đẹp hơn (B3W - Build Back Better World) nhằm lôi kéo, tập hợp lực lượng đứng về phía Mỹ và phương Tây trong cạnh tranh với chiến lược “Vành đai và Con đường” của Trung Quốc. Chiến lược B3W của Mỹ tuy mới manh nha, nhưng phần nào đã gây được sự chú ý của cộng đồng quốc tế, nhất là trong bối cảnh “búa rìu” dư luận không mấy tốt đẹp về những “chiếc bẫy” trong chiến lược “Vành đai và Con đường” của Trung Quốc ngày một lan rộng trên khắp địa cầu.

Gần đây nhất, trong chuyến thăm đầu tiên của quan chức cấp cao trong chính quyền của Tổng thống J.Biden - Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lioyd Austin đến 3 nước Đông Nam Á là Philippines, Singapore và Việt Nam cho thấy vai trò địa chiến lược của khu vực đối với chiến lược của Mỹ. Phát biểu trước báo giới ngày 19.7.2021, người phát ngôn Lầu Năm Góc John Kirby khẳng định: “Chuyến thăm của Bộ trưởng Austin sẽ thể hiện tầm quan trọng được chính quyền Biden-Harris đặt lên Đông Nam Á và ASEAN như một phần cốt yếu của cấu trúc Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Chuyến đi này sẽ đánh dấu cam kết bền vững của Mỹ đối với khu vực và lợi ích của chúng tôi trong việc duy trì trật tự quốc tế dựa trên quy tắc tại khu vực và thúc đẩy tính trung tâm của ASEAN”.

Thay cho lời kết

Trong bất kỳ thời đại nào thì cạnh tranh nước lớn cũng luôn trở thành tâm điểm thu hút sự dõi theo của cộng đồng quốc tế. Được xem là trục chính trong quan hệ quốc tế thế kỷ XXI, cạnh tranh chiến lược Mỹ-Trung có tác động ảnh hưởng hết sức to lớn đối với hòa bình, ổn định và phát triển của thế giới và khu vực. Vì vậy, mỗi động thái của cả 2 bên đều cần được nghiên cứu, đánh giá thấu đáo và có đối sách phù hợp, tránh để rơi vào trạng thái bất ngờ chiến lược. Đó cũng chính là cách thức để thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ và hiện thực hóa khát vọng về một đất nước độc lập, phồn vinh mà Đại hội XIII của Đảng đã xác định.

 

Nguyễn Đình Thiện

Phạm Hồng Minh

Học viện Chính trị CAND

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Các tin khác

Xem nhiều nhất

Liên kết website