Về chiến lược an ninh quốc gia Nga 2021

Chiến lược An ninh quốc gia Nga 2021 được đánh giá là bước chuyển biến trong ưu tiên của Nga đối với những vấn đề gây quan ngại đến lợi ích quốc gia, đồng thời cho thấy sự thay đổi trong thế giới quan của Moskva về các mối đe dọa. Là một nước lớn, Chiến lược An ninh quốc gia Nga có tác động ảnh hưởng đến an ninh khu vực và thế giới theo cả 2 chiều hướng.

1. Những điểm đáng chú ý trong Chiến lược An ninh quốc gia Nga 2021

Chiến lược an ninh mới mà Tổng thống Putin ký sắc lệnh ban hành ngày 02/7/2021 (1) là văn bản hoạch định chiến lược cơ bản, xác định lợi ích quốc gia và các ưu tiên chiến lược của Nga; đề ra biện pháp bảo vệ người dân và nhà nước từ các mối đe dọa bên trong và bên ngoài; đặt ra các mục tiêu để tăng cường an ninh quốc gia, đảm bảo phát triển bền vững về lâu dài.

Nước Nga trong con mắt thù địch của phương Tây và đối sách của Nga

Điều 19 Chiến lược An ninh quốc gia Nga 2021 nhận định: Trong bối cảnh khủng hoảng mô hình tự do phương Tây, một số nước đang tìm cách làm xói mòn các giá trị truyền thống, bóp méo lịch sử thế giới, xét lại cái nhìn về vai trò và vị trí của Liên bang Nga, trong đó, khôi phục chủ nghĩa phát xít và kích động xung đột sắc tộc và xung đột tôn giáo. Các chiến dịch thông tin đang được tiến hành nhằm tạo ra một hình ảnh một nước Nga thù địch. Hạn chế sử dụng tiếng Nga, cấm các phượng tiện thông tin đại chúng Nga, cấm sử dụng các nguồn thông tin của Nga, áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với các vận động viên Nga. Liên bang Nga bị cáo buộc vô cớ vi phạm các nghĩa vụ quốc tế, thực hiện các cuộc tấn công máy tính và can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác. Người dân Nga sống ở nước ngoài bị phân biệt đối xử và đàn áp công khai.

Trong hoàn cảnh trên, Chiến lược An ninh quốc gia Nga 2021 nhấn mạnh: Các yếu tố chính quyết định vị thế và vai trò của Liên bang Nga trên thế giới là tiềm năng con người chất lượng cao, khả năng dẫn đầu về công nghệ, hiệu quả quản lý nhà nước và chuyển đổi nền kinh tế sang nền tảng công nghệ mới. Trình độ khoa học, môi trường sáng tạo, công nghiệp, hệ thống giáo dục, y tế và văn hóa đang trở thành chỉ số chính đánh giá khả năng cạnh tranh của Nga. Việc đi đầu trong các lĩnh vực này sẽ tăng cường hơn nữa khả năng quốc phòng của đất nước, đạt được các mục tiêu phát triển quốc gia, tạo điều kiện để nâng cao uy tín quốc tế của Liên bang Nga và sức hút hợp tác đối với các nước. Việc bảo tồn bản sắc, văn hóa Nga, các giá trị tinh thần và đạo đức truyền thống của Nga cũng như giáo dục lòng yêu nước cho người dân sẽ góp phần phát triển hơn nữa cấu trúc dân chủ và sự cởi mở của Liên bang Nga với thế giới.

Trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị ngày càng tăng, chính sách đối ngoại của Liên bang Nga phải thúc đẩy tăng cường sự ổn định của hệ thống quan hệ quốc tế dựa trên luật pháp quốc tế, các nguyên tắc an ninh phổ quát, bình đẳng và không thể chia cắt, làm sâu sắc hơn tương tác đa phương không ranh giới và phương pháp tiếp cận không bè phái liên minh, nhằm cùng nhau giải quyết các vấn đề toàn cầu và khu vực với vai trò điều phối trung tâm của Liên hợp quốc và Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

Nhận thức về những “mối đe dọa” mới trong Chiến lược An ninh quốc gia Nga 2021

Mối đe dọa từ chính sách thù địch của Mỹ và phương Tây

Chiến lược An ninh quốc gia phiên bản năm 2021 dường như “mất niềm tin hoàn toàn” vào hợp tác với phương Tây, thậm chí Nga đã không đề cập đến xây dựng quan hệ đối tác và hợp tác với Mỹ và Liên minh châu Âu như đã từng nêu trong phiên bản 2015. Nguyên nhân chính là do Tổ chức Hiệp ước quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) đang ngày càng mở rộng về khu vực biên giới với Nga; việc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ đe dọa “hủy hoại hệ thống ổn định chiến lược của Nga”. Bên cạnh đó, tình hình tại Biển Đen đang gia tăng căng thẳng, nhất là cuộc tập trận quân sự quy mô lớn nhất từ trước đến nay do NATO, Ukraine và các đối tác tiến hành mang tên Sea Breeze (Gió Biển) 2021 được cho là nhằm vào Nga. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova gọi cuộc tập trận Sea Breeze của phương Tây là “trò chơi lên gân cơ bắp mang tính khiêu khích”. Hãng tin TASS nhận định, “Mỹ đang theo đuổi một chính sách nhất quán về việc từ bỏ các nghĩa vụ quốc tế trong lĩnh vực kiểm soát vũ khí trong bối cảnh phát triển tiềm lực cho hệ thống phòng thủ tên lửa toàn cầu”.

Để đối phó với những mối đe dọa nói trên, Chiến lược mới cho biết, chính phủ Nga có kế hoạch ngăn chặn những hành vi “không thân thiện” từ các nhân tố muốn đe dọa toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền của Nga, phát triển những biện pháp răn đe chiến lược mới (phát triển vũ khí hạt nhân). Và như vậy, với chính sách thù địch dành cho nhau trong mấy thập kỷ qua thì lời nguyền về quan hệ Nga-Mỹ và phương Tây “không tồi tệ nhất, chỉ tồi tệ hơn” sẽ tiếp tục còn hiệu ứng.

Các nguy cơ đe dọa giá trị tinh thần, đạo đức, văn hóa và lịch sử truyền thống của Nga

Điều 87 Chiến lược An ninh quốc gia Nga 2021 xác định: Các giá trị tinh thần, đạo đức, văn hóa và lịch sử truyền thống của Nga đang bị Mỹ và các đồng minh, cũng như các tập đoàn xuyên quốc gia, các tổ chức phi chính phủ, tôn giáo, cực đoan và khủng bố tấn công. Chúng gây tác động thông tin và tâm lý đối với nhận thức cá nhân, nhóm và công chúng bằng cách truyền bá các thái độ xã hội và đạo đức trái với truyền thống, niềm tin và đức tin của các dân tộc ở Liên bang Nga.

Như vậy, những mối đe dọa an ninh quốc gia Nga được xác định với phạm vi rộng lớn hơn, bao gồm các hoạt động trên các nền tảng trực tuyến của các tập đoàn xuyên quốc gia, quá trình “Tây hóa nền văn hóa quốc gia”, sự áp đặt những giá trị đạo đức từ bên ngoài và cả những tác động mang tính hủy hoại đối với văn hóa, ngôn ngữ Nga. Các kênh tin tức chính thống của Nga nhấn mạnh, phương Tây đã và đang mưu đồ “gây bất ổn tình hình chính trị xã hội trong nước nhằm kích động và cực đoan hóa phong trào biểu tình cũng như hủy hoại những giá trị đạo đức và tinh thần truyền thống của Nga”.

Các nhân tố phi quân sự hiện gây ra những thách thức lớn đối với Moskva, mong muốn cô lập Nga và sử dụng tiêu chuẩn kép trong chính trị quốc tế, mưu đồ của “những nước không thân thiện nhằm tận dụng những vấn đề kinh tế xã hội của Nga để hủy hoại sự đoàn kết nội bộ, kích động và cực đoan hóa phong trào biểu tình, ủng hộ các lực lượng ngoài lề xã hội và chia rẽ xã hội Nga”. Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu toàn cầu, vấn đề tài nguyên thiên nhiên, môi sinh, môi trường… cũng là những hiểm họa được đề cập trong Chiến lược An ninh mới của Nga.

Sự thay đổi lớn về chiến lược bảo đảm an ninh kinh tế của Nga

So với 6 năm trước, Chiến lược năm 2021 khá “kiệm ngôn” về những thành công tăng trưởng kinh tế mà đề cập nhiều hơn đến tình trạng suy thoái kinh tế thế giới. Nếu như trước kia, vấn đề tăng trưởng kinh tế được coi là một phần thiết lập nền tảng cho an ninh quốc gia của Nga thì Chiến lược năm 2021 mô tả đó chỉ là một mục tiêu mà Nga cần đạt được. Điểm đáng chú ý về vấn đề an ninh kinh tế quốc gia hiện nay là: (1) Giảm thiểu sử dụng đồng USD trong các giao dịch quốc tế; (2) Tăng cường năng lực sản xuất nội địa, giảm thiểu sự phụ thuộc vào hàng hóa nhập khẩu (gồm cả sản phẩm công nghệ cao); (3) Giảm thiểu sự phụ thuộc vào đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Xác định những ưu tiên lớn trong quan hệ quốc tế

Chiến lược xác định, mở rộng quan hệ hợp tác chiến lược với Trung Quốc và Ấn Độ nhằm thiết lập cơ chế đảm bảo an ninh, ổn định khu vực. Theo đó, Nga muốn phát triển hơn nữa quan hệ hợp tác chiến lược với New Delhi đồng thời phát triển quan hệ đối tác toàn diện với Bắc Kinh. Nói cách khác là xây dựng chính sách cân bằng trong quan hệ với Trung Quốc và Ấn Độ nhằm thiết lập một quá trình đảm bảo sự ổn định và an ninh ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, dựa trên cơ sở không liên minh, liên kết. Tuy nhiên, Nga vẫn có kế hoạch bảo vệ những nước mà chủ quyền của họ bị phương Tây xâm phạm: Moskva cam kết ủng hộ các đồng minh và đối tác trong việc “vô hiệu hóa những mưu đồ của thế lực bên ngoài hòng can thiệp vào công việc nội bộ của họ”.

Nhấn mạnh an ninh thông tin

Chiến lược mới nhấn mạnh đến vấn đề an ninh mạng và xác định kẻ thù của Nga, bao gồm các công ty công nghệ quốc tế tấn công Nga bằng cách “phát tán những thông tin không được kiểm chứng” và ngăn dòng chảy thông tin mà Chính phủ Nga coi là những thông tin có ý nghĩa xã hội quan trọng. Chiến lược nhấn mạnh, việc sử dụng các thiết bị viễn thông và công nghệ thông tin nước ngoài làm gia tăng nguy cơ các nguồn thông tin của Nga bị ảnh hưởng từ luồng thông tin bên ngoài.

2. Dự báo và tác động của Chiến lược An ninh quốc gia Nga 2021 đến an ninh thế giới, khu vực và Việt Nam

Việc công bố Chiến lược An ninh quốc gia của Nga năm 2021 một lần nữa cho thấy, giới cầm quyền các nước nói chung và Nga nói riêng đang đặt lợi ích của quốc gia, dân tộc mình lên trên hết. Đúng như lời của Ngoại trưởng Nga Lavrov: Không có chuyện Nga thân nước này hay thân nước khác, mà chỉ có Nga thân Nga. Đường lối đối ngoại và Chiến lược An ninh quốc gia có tính thực dụng đó sẽ tác động lớn đến việc định hình cục diện thế giới và khu vực.

Trong ngắn hạn (từ 5-10 năm tới), Nga cần cải thiện tình hình, từng bước thoát khỏi khủng hoảng và sự bao vây, cô lập của Mỹ và các nước phương Tây, nên sẽ tiếp tục duy trì và thúc đẩy mối quan hệ với Trung Quốc. Ngược lại, Trung Quốc cũng cần duy trì trạng thái ổn định, tranh thủ Nga để tiến hành tái cấu trúc nền kinh tế, hiện đại hóa quân đội, từng bước hiện thực hóa “Giấc mộng Trung Hoa”. Giới chuyên gia nhận định, với Trung Quốc, Nga có chung lợi ích trên nhiều lĩnh vực và đang phải đối mặt với những áp lực chiến lược tương tự từ phương Tây. Vì vậy, có thể kỳ vọng Nga sẽ ưu tiên hơn quan hệ với Trung Quốc. Nếu xuất hiện tình huống Trung Quốc hoặc Nga, đặc biệt là Nga, buộc phải có một cuộc đối đầu toàn diện với phương Tây, thì hai cường quốc này ít nhất có thể tin tưởng và dựa vào nhau để tránh bị cô lập. Do đó, kỳ vọng về một môi trường hòa bình, ổn định của hợp tác Nga - Trung trong ngắn hạn là điều có thể tiên lượng. Tuy nhiên, cần nhau trong ngắn hạn, nhưng lại cạnh tranh chiến lược trong dài hạn, đồng thời cả Nga và Trung Quốc đều có những “giấc mơ” riêng, nên việc trở thành “đồng minh” là điều khó xảy ra theo đúng nghĩa. Vì lẽ đó, “đồng sàng, dị mộng” sẽ vẫn là trạng thái chính của quan hệ Nga-Trung.

Chiến lược An ninh quốc gia 2021 của Nga xác định ưu tiên quan hệ Nga - Trung, Nga - Ấn sẽ có những tác động tích cực trong việc định hình một trật tự thế giới đa cực, giảm bớt sự chi phối, thao túng thế giới từ một cực. Hướng về phía Đông thông qua xác định Ấn Độ và Trung Quốc là quan hệ đối tác toàn diện một mặt tạo thế cho cả Nga, Trung Quốc và Ấn Độ, nhưng mặt khác cũng tạo nên thế cân bằng trong quan hệ với phương Đông trong bàn cờ địa chính trị quốc tế. Tăng cường quan hệ với New Delhi, Nga cũng muốn phá vỡ Chiến lược “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và mở rộng” cũng như “Bộ tứ kim cương” mà Mỹ đang tạo dựng.

Với vị thế địa chính trị cực kỳ quan trọng, Việt Nam hiện là một trong những tâm điểm trong cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, nhất là cạnh tranh “tam giác siêu cường” Mỹ-Nga-Trung. Chiến lược an ninh quốc gia mới của Nga 2021 ít, nhiều có tác động ảnh hưởng đến an ninh khu vực nói chung và sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Việt Nam nói riêng theo cả 2 chiều hướng - thuận lợi và khó khăn. Tuy nhiên, cần nhận thức rõ rằng, dù còn đó những vấn đề cần tiếp tục theo dõi, đánh giá để tránh bất ngờ về chiến lược, nhưng với bề dày lịch sử đã được tạo dựng trong quá khứ, và không có mâu thuẫn về lợi ích chiến lược, cũng như có quan điểm tương đồng trên nhiều vấn đề quốc tế khác, tăng cường quan hệ với Nga là bước đi thích hợp, tạo thế cho Việt Nam cân bằng quan hệ với các nước lớn khác nhằm giữ vững độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, nhất là trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Với quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, ngoài việc tranh thủ sự ủng hộ từ Nga trên các diễn đàn quốc tế, quốc phòng, an ninh là lĩnh vực mà Việt Nam có lợi thế để hợp tác chặt chẽ hơn nữa với Nga, nhất là về công nghiệp quốc phòng và công nghiệp an ninh.

 

TS Nguyễn Đình Thiện

ThS Phạm Hồng Minh

Học viện Chính trị CAND

 

(1) Ngày 2/7/2021, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký Sắc lệnh thông qua Chiến lược an ninh quốc gia mới, gồm 5 phần: I. Các quy định chung; II.  Nước Nga trong thế giới đương đại: xu hướng và cơ hội; III. Lợi ích quốc gia của Liên bang Nga và các ưu tiên chiến lược quốc gia; IV. Đảm bảo an ninh quốc gia; V. Cơ sở tổ chức và cơ chế để thực hiện Chiến lược, với 106 điều.

 

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Các tin khác

Xem nhiều nhất

Liên kết website