Quan hệ Việt - Mỹ, lịch sử và dự báo giai đoạn J.BIDEN

Hơn ¼ thế kỷ kể từ khi bình thường hóa quan hệ (1995-2021), Việt Nam và Mỹ vốn là cựu thùcủa nhau đã cùng nỗ lực tìm đến những điểm đồng, từng bước xóa bỏ điểm bất đồng để củng cố, vun đắp lòng tin và không ngừng thúc đẩy hợp tác trên mọi lĩnh vực. Sự kỳ vọng vào một tương lai quan hệ hợp tác cao hơn, hiệu quả hơn không chỉ đơn thuần là mong muốn của các nhà lãnh đạo mà còn là nguyện vọng của dân tộc 2 nước và toàn thể nhân loại tiến bộ trên toàn thế giới.

1. Việt-Mỹ, lịch sử nhìn lại về những “cơ hội bị bỏ lỡ”

Quan hệ Việt-Mỹ có lẽ đã rẽ sang một trang tươi đẹp hơn từ 75 năm về trước khi Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi lá thư ngày 18.01.1946 và sau đó là Bức điện ngày 28.02.1946 tới Tổng thống Hoa Kỳ Harry Truman (1) đề nghị giúp đỡ bảo vệ nền độc lập của Việt Nam trước sự xâm lược của người Pháp… Trong thư, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cảnh báo về “những hệ lụy đối với an ninh thế giới từ sự xâm lược của Pháp”. Người nêu rõ: “Pháp đã tấn công vào Sài Gòn ngày 23.9.1945 khi Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đang nỗ lực tái thiết thành phố… Mỗi ngày lại có thêm báo cáo mới về những hành động cướp bóc, bạo lực, sát hại dân thường và máy bay quân sự dội bom vào những vị trí không chiến lược trong thành phố. Rõ ràng Pháp có ý định xâm lược và thiết lập lại sự thống trị của họ đối với Việt Nam”. Cũng trong bức thư trên, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Việt Nam nồng nhiệt hoan nghênh bài phát biểu của Tổng thống Truman ngày 28.10.1945, trong đó nêu rõ các nguyên tắc bình đẳng và quyền tự quyết được nêu ra trong các Hiến chương Đại Tây Dương và San Francisco”. Cuối thư, Chủ tịch Hồ Chí Minh bày tỏ hy vọng “Hoa Kỳ sẽ giúp nhân dân Việt Nam đạt được độc lập và ủng hộ nhân dân Việt Nam trong quá trình tái thiết đất nước”. Đồng thời, Người cam kết nếu nhận được sự ủng hộ của Hoa Kỳ, “Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sẽ đóng góp công sức vào việc xây dựng hòa bình và thịnh vượng trên thế giới”.

Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau để lý giải cho sự “lặng im” của Tổng thống Hoa Kỳ H.Truman. Giải pháp lựa chọn của H.Truman được các nhà bình luận cho rằng, quan hệ Việt-Mỹ mới manh nha hình thành nhưng đã rơi vào “tâm bão” để rồi bị xoáy chìm trong “cuồng phong tố lốc” khi Hoa Kỳ nhảy vào thế chân Pháp xâm lược Việt Nam và buộc Chủ tịch Hồ Chí Minh phải lãnh đạo toàn dân, toàn quân đứng lên kháng chiến chống Hoa Kỳ.

Hơn 23 năm sau (1969), khi liên tiếp phải hứng chịu những tổn thất nặng nề trước ý chí quyết tâm giải phóng dân tộc của Chủ tịch Hồ Chí Minh và toàn thể dân tộc Việt Nam, đồng thời chính quyền Hoa Kỳ cũng phải đối mặt với làn sóng phản đối chiến tranh dâng cao ngay trong nước Mỹ, Tổng thống Richard Nixon mới chịu “xuống thang” viết thư gửi Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 15.7.1969. Trong thư, Tổng thống R.Nixon thừa nhận: “Tôi tin tưởng sâu sắc rằng, cuộc chiến tại Việt Nam đã kéo dài quá lâu và sự trì hoãn kết thúc cuộc chiến sẽ chẳng mang lại lợi ích cho bên nào- ít nhất là đối với toàn thể nhân dân Việt Nam”. Tổng thống Mỹ cũng cho rằng: “Giờ là lúc cần tiến tới bàn đàm phán để thảo luận về một giải pháp sớm cho cuộc chiến tranh tàn khốc này. Các ngài sẽ thấy chúng tôi rất thẳng thắn và cởi mở vì mục đích chung là đem lại hòa bình như mong muốn của những người Việt Nam can trường. Hãy để lịch sử ghi lại thời khắc quan trong này khi hai bên cùng nhìn về hòa bình thay vì xung đột và chiến tranh” (2)

Ngày 25.8.1969 (8 ngày trước khi từ trần), Chủ tịch Hồ Chí Minh có thư trả lời Tổng thống Mỹ. Trong thư có đoạn: "Nhân dân Việt Nam chúng tôi rất yêu chuộng hòa bình, một nền hòa bình chân chính trong độc lập và tự do thật sự. Nhân dân Việt Nam quyết chiến đấu đến cùng, không sợ hi sinh gian khổ để bảo vệ Tổ quốc và các quyền dân tộc thiêng liêng của mình… Trong thư, ngài bày tỏ lòng mong muốn hành động cho một nền hòa bình công bằng. Muốn vậy, Mỹ phải chấm dứt chiến tranh xâm lược và rút quân ra khỏi miền Nam Việt Nam, tôn trọng quyền tự quyết của nhân dân miền Nam và của dân tộc Việt Nam, không có sự can thiệp của nước ngoài. Đó là cách đúng đắn để giải quyết vấn đề Việt Nam, phù hợp với quyền dân tộc của nhân dân Việt Nam, với lợi ích của nước Mỹ và nguyện vọng hòa bình của nhân dân thế giới. Đó là con đường để Mỹ rút khỏi cuộc chiến tranh trong danh dự" (3).

Lịch sử không cho phép dùng từ nếu, nhưng giả định Tổng thống Mỹ đương nhiệm lúc đó là R.Nixon cũng như đội ngũ cố vấn trong chính quyền của ông suy nghĩ thấu đáo về lá thư cuối cùng, đầy tâm huyết và trí tuệ của Chủ tịch Hồ Chí Minh thì cuộc chiến tranh mà Mỹ gây ra trên đất nước Việt Nam có thể đã kết thúc sớm hơn. Có lẽ đây là cơ hội thứ 2 mà chính người Mỹ đã bỏ lỡ, để rồi sau khi kết thúc chiến tranh, Việt Nam hoàn thành nhiệm vụ giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước (1975), quan hệ Mỹ-Việt lại chìm trong tình trạng đối đầu căng thẳng, kéo dài suốt 2 thập kỷ.

2. Khép lại quá khứ, hướng tới tương lai – những “mốc son” trong quan hệ Việt-Mỹ sau bình thường hóa

Hơn nửa thế kỷ trôi qua cùng những cơ hội bị bỏ lỡ và hệ lụy “bi ai” của chiến tranh để lại, Việt Nam và Hoa Kỳ đã có khoảng thời gian trải nghiệm để thấy được giá trị của sự mất mát đau thương; thấy được chân lý, lẽ phải và sự cần thiết phải xây dựng tình hữu nghị nhằm loại bỏ tình trạng đối đầu, khắc phục hậu quả chiến tranh, thiết lập kỷ nguyên mới trong quan hệ giữa 2 nước. Hai dân tộc đã thực sự cùng nhau “khép lại quá khứ, hướng đến tương lai” viết nên chương mới trong quan hệ Việt-Mỹ.

Về chính trị, ngoại giao: Với những nỗ lực đấu tranh không mệt mỏi của Việt Nam cùng thiện chí của chính quyền Mỹ đương nhiệm khi đó, ngày 03.02.1994, Tổng thống Mỹ B.Clinton đã ra sắc lệnh xóa bỏ bao vây, cấm vận về thương mại đối với Việt Nam. Trên cơ sở đó, ngày 11.7.1995, hai nước bình thường hóa quan hệ sau hơn 4 thập niên đối đầu tàn khốc. Các hoạt động ngoại giao, kinh tế, văn hóa, xã hội được thiết lập - khối băng ngăn cách cùng sự hoài nghi giữa 2 nước nhanh chóng tan đi, niềm tin lẫn nhau dần hình thành và từng bước được củng cố ngày một thêm vững chắc.

Dường như chậm mà chắc, quan hệ Việt-Mỹ mỗi ngày qua đi lại có thêm những điều mới mẻ. Cùng nhau khép lại quá khứ, hướng đến tương lai để thiết lập những mốc son trong trang sử mới mà đỉnh cao là ngày 25.7.2013, Việt-Mỹ chính thức thiết lập quan hệ Đối tác toàn diện, xác định tầm vóc quan hệ giữa 2 nước. Định vị rõ vị trí địa chiến lược và vai trò hết sức quan trọng của Việt Nam, các Tổng thống Mỹ trong nhiệm kỳ cầm quyền đều đến thăm và để lại nhiều dấu ấn tốt đẹp. Đặc biệt, trong nhiệm kỳ 2016-2020, cựu Tổng thống D.Trump đã 2 lần sang thăm chính thức và lựa chọn Việt Nam là nơi tổ chức sự kiện quốc tế mang tầm chiến lược. Đáp lại, các nhà lãnh đạo cao nhất của Việt Nam cũng nhiều lần viếng thăm Mỹ với tình cảm hết sức chân thành.

Đánh giá về những tiến triển trong quan hệ giữa 2 nước, nhân dịp kỷ niệm 20 năm ngày bình thường hóa quan hệ Việt-Mỹ, cựu Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Ted Osious nhận định: Khi chúng ta ngồi đây tổ chức lễ kỷ niệm 20 năm ngày bình thường hóa quan hệ Việt-Mỹ (31.7.2015), thì quan hệ Việt-Mỹ đã phát triển lên đến đỉnh cao của sự tin cậy lẫn nhau; còn cựu Ngoại trưởng John Kerry đánh giá: Trên thế giới không có dân tộc nào làm được nhiều hơn và tốt hơn như 2 dân tộc Việt, Mỹ để khép lại quá khứ, hàn gắn vết thương chiến tranh, cùng nhau hướng đến tương lai.

Về kinh tế, thương mại và đầu tư: Đi cùng sự phá băng trong quan hệ ngoại giao, các hoạt động về kinh tế, thương mại và đầu tư giữa 2 nước cũng ngày một trở nên sôi nổi. Ngày 13.7.2000, Hiệp định Thương mại Việt-Mỹ được ký kết; năm 2006 (sau khi Ký kết hiệp định thương mại song phương về việc Việt Nam gia nhập Tổ chức thương mại thế giới - WTO), Việt Nam trở thành thành viên chính thức của WTO sau 12 năm đàm phán… Đồng thời, những cột mốc về hợp tác kinh tế giữa 2 bên liên tục bị phá bởi những nấc thang và kỷ lục mới.

Kim ngạch thương mại hai chiều Việt-Mỹ đã tăng vọt từ mức 450 triệu USD năm 1995 lên 75,7 tỷ USD vào cuối năm 2019. Đặc biệt, trong năm 2020, bất chấp ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, kim ngạch thương mại song phương hai nước đã đạt mốc kỷ lục 90,8 tỷ USD và đang hướng tới cán mốc 100 tỷ USD năm 2021. Tính chung trong giai đoạn 5 năm gần đây, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ đã tăng 230%, trong khi xuất khẩu từ Hoa Kỳ vào Việt Nam cũng tăng trưởng tới hơn 175%. Hoa Kỳ đã trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, Việt Nam đã trở thành đối tác thương mại lớn thứ 10 của Hoa Kỳ. Các doanh nghiệp Hoa Kỳ cũng đầu tư vào hơn 20 lĩnh vực kinh tế, đứng thứ 11 trong số các nhà đầu tư hàng đầu vào Việt Nam. Hầu hết các Tập đoàn lớn nhất của Hoa Kỳ đều đã có mặt tại Việt Nam như: Exxon Mobil, Murphy Oil, Chevron, Boeing, Coca-Cola, P&G, Ford, Intel, Wal-Mart, Nike…

Về quốc phòng, an ninh: Là một trong những lĩnh vực được cho là khá “nhạy cảm” trong quan hệ giữa 2 nước, quan chức quân sự, quốc phòng và an ninh cao cấp của Mỹ như: Bộ trưởng Quốc phòng, Cố vấn an ninh quốc gia, Tư lệnh Hải quân, Không quân, Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương cùng nhiều tướng lĩnh, chiến hạm của quân đội Hoa Kỳ cập cảng, ghé thăm Việt Nam. Và đương nhiên, xen kẽ là các cuộc thăm viếng của tướng lĩnh Bộ Quốc phòng, Bộ Công an của Việt Nam đến Mỹ. Thăm viếng lẫn nhau đã tạo không gian mở cũng như lòng tin từ cả 2 chiều Mỹ, Việt. Sau chuyến thăm Mỹ lần đầu tiên của Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam năm 2015, là chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống đương nhiệm B.Obama năm 2016 cùng Sắc lệnh xóa bỏ lệnh cấm bán vũ khí cho Việt Nam. Các nhà bình luận đánh giá: Dù đây có thể chưa phải là dấu chấm hết cho quá khứ thù địch thì cũng là dấu phẩy lửng lơ mở ra một chương mới, tươi sáng trong quan hệ giữa 2 nước.

Bên cạnh đó, các hoạt động nhân đạo khắc phục hậu quả sau chiến tranh như: Tìm kiếm hài cốt, người Mỹ mất tích trong chiến tranh; xử lý chất độc dioxin… được cả 2 bên nỗ lực thực hiện có hiệu quả cao. Cùng với đó là việc Hoa Kỳ hỗ trợ tàu tuần tra cho các hoạt động bảo đảm an ninh quốc gia, nhất là năng lực của các lực lượng chức năng thực thi pháp luật trên biển Việt Nam được phía Mỹ hết sức coi trọng.

3. Dấu hiệu hé mở những “nốt thăng” mới trong quan hệ Việt-Mỹ giai đoạn J.Biden

Tiếp nối chính sách và những thành quả của các Chính phủ trước đây trong cải thiện quan hệ với Việt Nam, sau khi nhậm chức, chính quyền của Tổng thống đắc cử J.Biden đã phái Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin thăm Việt Nam (từ 28-29.7.2021). Trong buổi yết kiến với Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ và hội đàm cùng Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam, Lloyd Austin đều thể hiện lập trường: “Mỹ cam kết ủng hộ một Việt Nam hùng cường, phồn vinh và độc lập”. Tuyên bố này không mới nhưng đáng chú ý, vì nó đi đôi với những hành động cụ thể. Kết thúc 2 ngày thăm Hà Nội, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã bày tỏ lòng cám ơn chân thành đến Đại tướng Phan Văn Giang vì sự đón tiếp nồng hậu và buổi làm việc hiệu quả. Trên Twitter, Bộ trưởng L.Austin đã nhấn mạnh mối quan hệ đối tác mà ông cho là bắt nguồn từ quan hệ bền chặt giữa nhân dân hai nước và cam kết của hai bên về việc tiếp tục giải quyết các hậu quả chiến tranh một cách có trách nhiệm. Không những thế, Bộ trưởng L.Austin đặc biệt nhấn mạnh tới tính cấp thiết về chiến lược của quan hệ đối tác giữa 2 nước.

Song hành cùng các cuộc thăm viếng gần đây và những tuyên bố thiện chí là những hành động cụ thể. Khi Mỹ hỗ trợ Việt Nam 5 triệu liều vaccine Moderna trong cuộc chiến chống Covid-19, người đứng đầu Bộ Quốc phòng Mỹ đã gây xúc động khi nói: Chúng tôi mong muốn được tiếp tục hỗ trợ Việt Nam theo nhiều cách khác nhau… Chúng tôi không có bất kỳ điều kiện ràng buộc nào. Đây chỉ là chuyện bạn bè giúp nhau khi cần. Gần đây, Tuần duyên Mỹ chính thức chuyển giao tàu CSB 8021 (01.6.2021), trước đây là tàu John Midgett (14.8.2020) cho Việt Nam. Từ ngày 01.11.2020, thủy thủ đoàn mới của tàu, gồm các sĩ quan của Cảnh sát biển Việt Nam đã được phía Mỹ đào tạo, chuyển giao về tàu, hệ thống và thiết bị. Tàu CSB 8021 chính thức rời cảng cũ ở Seattle, bang Washington ngày 01.6.2021 thực hiện hải trình dài nhất về Việt Nam sau khi hoàn thành quá trình trang bị và huấn luyện cho thủy thủ đoàn. Đây là tàu tuần duyên lớp Hamilton từng thuộc biên chế Tuần duyên Mỹ và là tàu thứ hai thuộc lớp này mà Chính phủ Mỹ chuyển giao cho Cảnh sát biển Việt Nam. Việc chuyển giao tàu CSB 8021 và các hoạt động hỗ trợ liên quan có tổng giá trị hơn 27 triệu USD là viện trợ an ninh của Mỹ dành cho Việt Nam. Trước đó, việc chuyển giao tàu CSB 8020 vào năm 2017 có tổng giá trị khoảng 24 triệu USD. Theo Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam, Chính phủ Mỹ tặng con tàu này nhằm minh chứng cho sự hợp tác an ninh hàng hải chặt chẽ giữa hai nước và giúp đảm bảo trật tự dựa trên quy tắc ở Biển Đông. Sau chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin, từ ngày 24 đến 26.8.2021, Phó Tổng thống Kamala Harris sang thăm Việt Nam (cùng với Singapore) nhằm tăng cường quan hệ với hai đối tác quan trọng của Mỹ ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Đây là chuyến thăm riêng rẽ đầu tiên của một Phó Tổng thống Mỹ đến Việt Nam, hứa hẹn mở ra những cơ hội mới cho quan hệ Việt-Mỹ giai đoạn J.Biden.

Tròn ¾ thế kỷ, quan hệ Việt-Mỹ được hình thành từ ước vọng hòa bình, hữu nghị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, của Đảng, Nhà nước và toàn thể dân tộc Việt Nam, nhưng phải trải qua 20 năm chiến tranh đẫm máu và 2 thập niên đối đầu căng thẳng, để rồi cập bến trong hòa bình, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển. Với sự nỗ lực và lòng tin được tạo dựng từ cả hai phía; từ sự mong muốn và nguyện vọng thiết tha của hai dân tộc cách nhau nửa vòng Trái đất; từ những mục tiêu chân chính vì hòa bình, độc lập, hữu nghị, hợp tác phát triển và tiến bộ của xã hội loài người cũng như thiện chí của lãnh đạo 2 nước, chắc chắn quan hệ Việt-Mỹ sẽ có những bước phát triển nhanh hơn, xa hơn những gì đang kỳ vọng.

 

TS Nguyễn Đình Thiện - Nguyễn Hữu Hào

Học viện Chính trị CAND

 

(1) Những bức thư Bác Hồ gửi Tổng thống Mỹ Truman và Nixon, nguồn: Vietnamnet ngày 30/08/2019.

(2) Những bức thư Bác Hồ gửi Tổng thống Mỹ Truman và Nixon, nguồn: Vietnamnet ngày 30/08/2019.

(3) Những bức thư Bác Hồ gửi Tổng thống Mỹ Truman và Nixon, nguồn: Vietnamnet ngày 30/08/2019.

 

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Các tin khác

Xem nhiều nhất

Liên kết website