Liên minh Mỹ - Anh - Australia, sự xáo trộn lớn trên bàn cờ chiến lược

Chi tiết về quan hệ đối tác an ninh giữa ba nước Mỹ, Anh, Australia (AUKUS) đã được thảo luận tại Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) tháng 6.2021 tại Cornwall (Vương quốc Anh), song Tổng thống Pháp E.Macron không hề hay biết.Một Hiệp định như vậy được cảnh báo không chỉ làm phương hại tới quan hệ với cả Bắc Kinh lẫn Paris, mà sâu xa hơn là sự xáo trộn lớn trong bàn cờ địa chiến lược.

1. Liên minh an ninh AUKUS và những phản ứng dữ dội từ phía Trung Quốc

Được tuyên bố thành lập ngày 15/9/2021, AUKUS là liên minh bao gồm một loạt các hợp tác ngoại giao và công nghệ, từ an ninh mạng đến trí tuệ nhân tạo, nhưng thực chất là liên minh quân sự với nội dung cốt lõi là thỏa thuận để giúp Australia có được một hạm đội tàu ngầm hạt nhân công nghệ Mỹ thay vì hạm đội tàu ngầm diesel-điện công nghệ Pháp.Tờ Economist của Anh ngày 19/9/2021 nhận định, đây là bước khởi đầu cho một sự thay đổi địa chính trị sâu sắc đang diễn ra. AUKUS chính là liên minh quân sự chính thức đầu tiên được hình thành ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương sau nửa thế kỷ (Hiệp ước quân sự Ngũ cường - Five Powers Defense Agreement gồm Anh, Australia, Brunei, Malaysia và Singapore ký năm 1971), nhưng với EU được ví như một cuộc “đảo chính” chiến lược của ba nước tham gia.

Mặc dù không đề cập gì đến Trung Quốc, nhưng hầu hết đều cho rằng liên minh mới được tạo ra là nhằm đối phó với một cường quốc đang lên cùng những tham vọng đáng quan ngại - Trung Quốc. Bắc Kinh phản ứng với AUKUS bằng cách chỉ trích đây là “tư duy Chiến tranh Lạnh”, đồng thời kịch liệt phản đối, tố cáo thương vụ Mỹ bán tàu ngầm cho Australia là “hết sức vô trách nhiệm”, một liên minh “làm phương hại nghiêm trọng đến hòa bình và ổn định khu vực”. Dali Yang, chuyên gia về chính sách đối ngoại Trung Quốc tại trường Đại học Chicago (Mỹ), nói: “Theo quan điểm của Bắc Kinh, sáng kiến ba bên này là một liên minh khác do Mỹ dẫn đầu đang nổi lên. Trong vài năm qua, cộng đồng ngoại giao Trung Quốc đã có nhiều nỗ lực nhằm ngăn chặn điều tương tự xảy ra...”.Trong thời gian này, Bắc Kinh cũng đã cố gắng củng cố quan hệ với các nước khác với hy vọng các quốc gia đó có thể giữ thái độ trung lập nhất có thể về các thỏa thuận như vậy. Không những thế, ngay hôm sau (16/9/2021), Trung Quốc nộp đơn xin gia nhập Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)mà tiền thân của nó là Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được Mỹ vận động thành lập như một công cụ để hạn chế ảnh hưởng của Trung Quốc.

2. Nguyên nhân ra đời của AUKUS

 Từ yếu tố Trung Quốc: Các nhà bình luận cho rằng, chính sự lớn mạnh về kinh tế, quân sự và tham vọng bá quyền của Trung Quốc cùng sức ép mà nước nàygây lên Australia trên cả các khía cạnh chính trị, kinh tế và quân sự là gốc rễ cho sự ra đời của liên minh.Nổi bật gần nhất là cú đáp trả của Bắc Kinh trước lời kêu gọi của Australia tiến hành cuộc điều tra độc lập về nguồn gốc của COVID-19. Cách thức Bắc Kinh “phản đòn” Canberra khiến Australia nhận thấy nhu cầu cấp thiết trong việc tìm cách đẩy lùi ảnh hưởng của Trung Quốc.Bên cạnh đó, bất chấp luật pháp quốc tế, Trung Quốc đã ban hành và đơn phương yêu cầu các nước phải tuân thủ Luật Hàng hải (có hiệu lực từ 01/9/2021) của họ. Trước những hành vi được cho là “ngang ngược” của Trung Quốc, hầu hết các quốc gia trong cộng đồng quốc tế đều phản ứng dữ dội. Tổng thống Mỹ J.Biden tuyên bố AUKUS “là sự đầu tư vào nguồn lực sức mạnh lớn nhất của chúng ta, các liên minh của chúng ta, cung cấp thông tin kịp thời để đối phó tốt hơn với những mối đe dọa hiện nay và trong tương lai. Đó là sự liên kết các đồng minh và đối tác hiện tại của Mỹ theo phương cách mới”.

Theo thỏa thuận, Australia sẽ đóng tàu ngầm hạt nhân công nghệ quốc phòng mới với Mỹ và Anh. Các nhà bình luận đánh giá, thế giới đã thay đổi rất nhiều kể từ tháng 4/2016, thời điểm Australia lựa chọn công nghệ tàu ngầm chạy bằng động cơ diesel của Pháp làm vũ khí chủ chốt dưới đáy đại dương. Khi đó, tàu ngầm hạt nhân bị loại trừ vì tính nhạy cảm, độ phức tạpcủa công nghệ hạt nhân cùng chi phí lớn, và vì Australia được cam kết các nhu cầu chiến lược sẽ được đáp ứng bởi tàu ngầm diesel. Hiện các vấn đề về độ nhạy cảm, sự phức tạp và chi phí vẫn còn, nhưng có điều môi trường chiến lược đã có sự thay đổi. Sự thay đổi đó được các chuyên gia phân tích tóm gọn thành cụm từ:“Trung Quốc dưới thời đại Tập Cận Bình”.

Yếu tố đồng minh châu Âu, nhất là Pháp và lợi ích kinh tế: Cạnh tranh và xung khắc là điều khó tránh trong quan hệ Mỹ-Pháp, Mỹ-Âu, khi EU với sự thúc đẩy của cặp đôi Đức-Pháp muốn khẳng định vị trí trong bàn cờ địa chính trị quốc tế. Quan hệ đồng minh giữa Mỹ với 2 nước đầu tàu EU vốn đã rạn nứt nghiêm trọng từ thời D.Trump làm Tổng thống. Dự án “Dòng chảy phương Bắc 2” giữa Nga với Đức đã bị Mỹ tìm cách ngăn chặn, trừng phạt. Điều đáng nói hiện nay là liên minh chiến lược AUKUS do Mỹ công bố xảy ra sau khi Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen trình bày diễn văn thường niên về tình hình EU tại Nghị viện châu Âu ít giờ.Trong diễn văn, bà Ursula von der Leyenđặc biệt nhấn mạnh, đã đến lúc EU phải khẳng định năng lực quốc phòng tự chủ, sẵn sàng hành động “nơi nào mà NATO và Liên hợp quốc không có mặt”. Đồng thời, Chủ tịch Ủy ban châu Âu còn ủng hộ mạnh mẽ sáng kiến của Paris tổ chức hội nghị về quốc phòng EU, dự kiến diễn ra vào đầu năm 2022, thời gian Pháp làm Chủ tịch luân phiên. Do đó, thành lập liên minh mới, Mỹ đã thực sự dằn mặt đồng minh, nhất là những đồng minh “rắn mặt”.

Australia đã hủy hợp đồng mua tàu ngầm chạy diesel-điện giá trị 56 tỷ USD ký với Pháp hồi năm 2016. Khi công bố AUKUScùng Thủ tướng Anh Boris Johnson và Thủ tướng Australia Scott Morrison, Tổng thống Mỹ J.Biden nhấn mạnh, đó là việc “đầu tư vào nguồn sức mạnh lớn nhất của chúng tôi - liên minh của chúng tôi”. Tuy nhiên, không khó hiểukhi Pháp - đồng minh lâu đời nhất của Mỹ đã phản ứng với sự giận dữ mạnh mẽ. Sau cáo buộc của Ngoại trưởng Pháp,ngày 17/9/2021, Tổng thống E.Macron đã triệu hồi đại sứ của Pháp từ Washington và Canberra.

Việc Austrailia từ bỏ hợp đồng tàu ngầm với Pháp được đánh giá là một bước đi táo bạo. Mặc dù thỏa thuận với Naval Group - công ty mà nhà nước Pháp chiếm đa số cổ phần gặp khó khăn do chậm trễ và chi phí leo thang, song đây là một trong những hợp đồng lớn nhất lịch sử Australia và được nhiều chuyên gia bình luận là “quá lớn để có thể đổ bể”.

Tính năng vượt trội của tàu ngầm hạt nhân Mỹ so với tàu ngầm diesel-điện

Chấp nhận khả năng bị phạt nặng, Australia đặt cược vào Mỹ với tư cách là đồng minh và sức hấp dẫn của công nghệ tàu ngầm mà họ sẽ có được tàng hình sâu và tầm hoạt động xa hơn so với công nghệ diesel-điện.Tàu ngầm diesel không có đủ sức bền với phạm vi hoạt động từ Australia đến một nơi xa như Biển Đông hoặc eo Malacca, nhưng tàu ngầm hạt nhân có đủ điều kiện đáp ứng những yêu cầu đó. Đồng thời, tàu ngầm hạt nhân có khả năng tàng hình tốt, khó bị phát hiện và có khả năng tấn công mạnh hơn. Bên cạnh đó, hợp tác với Mỹ, Australia sẽ được tham gia vào cơ sở hạ tầng tàu ngầm hạt nhân của Mỹ, Anh, đồng thời xây dựng năng lực và kỹ năng của riêng mình. Đây là cách làmgiống như Anh đã thực hiện từ năm 1958.

Chính sách ngoại giao của Mỹ có vấn đề

Mặc dù mọi chính sách đối ngoại của Mỹ đều nằm trong một tổng thể chiến lược và được thực hiện để đạt mục tiêu chung. Tuy nhiên, bước vào thời kỳ J.Biden nắm quyền, chính sách ngoại giao của Mỹ đang đứng trước nhiều búa rìu dư luận về tính thiếu nhất quán kể cả những hành động bị coi là mang tính hồ đồ. Trước đó, chính quyền J.Biden xử lý việc rút quân khỏi Afghanistan không hiệu quả, gây tổn thất lớn và dư luận thiếu tích cực. Hai quyết định liên tiếp, chóng vánh cho thấy có “vấn đề” trong chính sách đối ngoại của Mỹ. Đặc biệt, chính sách đối ngoại của Mỹ hiện được đánh giá là quá chú trọng đến khía cạnh quân sự mà coi nhẹ ngoại giao, kinh tế và các công cụ khác. Các nhà bình luận đánh giá, đây không phải là một điềm lànhtrong bối cảnh quốc tế phức tạp, nhất là cho việc xử lý mối quan hệ với Trung Quốc hiện nay.

3. Tác động của AUKUS và hệ lụy

Tạo ra sự chuyển dịch địa chính trị lớn trên thế giới

AUKUS cho thấy liên minh này đã tạo ra một sự thay đổi địa chính trị sâu sắc và được các nhà bình luận đánh giá ngang hàng với những sự kiện: Kênh đào Suez 1956; Tổng thống Mỹ R.Nixon thăm Trung Quốc năm 1972 và Bức tường Berlin sụp đổ năm 1989, vốn làm chuyển động địa chính trị toàn cầu.

Đối với Mỹ, đây là động thái mạnh mẽ nhất trong quyết tâm chống lại những gì họ coi là mối đe dọa ngày càng tăng từ Trung Quốc, đặc biệt là thách thức hàng hải mà Bắc Kinh đặt ra ở Thái Bình Dương. Mỹ không chỉ chia sẻ những “viên ngọc quý” của công nghệ quân sự, lò phản ứng đẩy cho tàu ngầm hạt nhân, với một quốc gia đồng minh thứ hai sau 63 năm (trước đó là với Anh), mà cũng đang báo hiệu mạnh mẽ về cam kết lâu dài đối với “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở”. Ý tưởng của chính quyền Mỹ về việc phối hợp với các đồng minh để ngăn chặn thách thức từ Trung Quốc là dễ hiểu. Thế nhưng, việc gây ra một sự chia rẽ lớn với đồng minh chủ chốt - đồng minh có lợi ích rất lớn ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương sẽ là cái giá khá đắt.

Đối với Anh, hiệp ước thể hiện vai trò đang thay đổi của nước này trên bàn cờ địa chính trị thế giới, phù hợp với nỗ lực nhằm thúc đẩy “Nước Anh toàn cầu” trong thời kỳ hậu Brexit và tạo cơ sở cho “sự xoay trục về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương” đã được đưa ra trong đánh giá tổng quát về chính sách đối ngoại và quốc phòng được công bố hồi tháng 3 vừa qua.

Đối với Pháp: Ngoại trưởng Pháp mô tả việc Australia “giữ Pháp trong bóng tối” về quyết định phá vỡ thỏa thuận tàu ngầm là một “sự vi phạm lòng tin” và là một “cú đâm sau lưng”.  AUKUS cũng là những gì được coi là thực tế sâu sắc trong quan hệ quốc tế, đặc biệt là ý tưởng về việc châu Âu cần có thêm “quyền tự chủ chiến lược” để không phụ thuộc quá nhiều vào Mỹ.Ngày 17/9/2021, bà Anne Cizel, chuyên gia về chính sách đối ngoại Mỹ tại Đại học Sorbonne, Paris cho rằng,“đòn đánh” có tính toán nhằm vào Pháp là một cuộc “tranh giành quyền lãnh đạo”. Từ nhiều năm nay, Tổng thống Pháp E.Macron tự khẳng định là người đi đầu trong sáng kiến xây dựng nền quốc phòng “tự chủ” và sự “tự chủ về chiến lược” của châu Âu. Một nền quốc phòng tự chủ của châu Âu đồng nghĩa với vị thế của Mỹ tại châu Âu sụt giảm. Trong khi đó, đài BBC đêm 17/9 ghi nhận, Washington đã tăng cường hiện diện quân sự của mình và đang đầu tư mạnh mẽ vào các mối quan hệ đối tác khác trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương như với Nhật Bản và Hàn Quốc.

Đối với Hiệp ước quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO): Sau Bộ tứ kim cương (Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản, Australia) là liên minh tam giác quân sự (Mỹ, Anh, Australia) cùng sự chú trọng đến các đồng minh, đối tác khác ở khu vực châu Á cho thấy chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương của Mỹ đã được đẩy lên thành cao trào. Đương nhiên, NATO không muốn nói là bị bỏ rơi mà là sẽ ít được chú trọng hơn trong chiến lược của Mỹ. Trong bối cảnh đó, ngày 18/9/2021, Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian cho biết Paris sẽ thảo luận quan niệm chiến lược mới của NATO trong bối cảnh xảy ra cuộc khủng hoảng trong quan hệ với Mỹ, nước đã hình thành quan hệ đối tác chiến lược mới với London và Canberra sau lưng đồng minh của mình.

Gây bùng nổ khủng hoảng ngoại giao

Giới quan sát chỉ ra mâu thuẫn khó dung hòa giữa Mỹ và Pháp cũng như giữa Mỹ và EU trong cuộc cạnh tranh quyền lãnh đạo.

Cho dù cả Mỹ, Anh và Australia đều có những động thái trấn an, xoa dịu, thậm chí biện minh, song không thể làm Paris nuốt trôi “cục hận”. Ngoại trưởng A.Blinken khẳng định: “Pháp là một đối tác trọng yếu” tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và “trong nhiều lĩnh vực khác”, và “đây là điều đã diễn ra từ lâu và sẽ tiếp tục như vậy trong tương lai”. Trước đó, Tổng thống Mỹ J.Biden cũng khẳng định Washington sẽ “tiếp tục cộng tác mật thiết với Pháp”, “đồng minh chủ chốt” tại khu vực chiến lược này. Trong khi Thủ tướng Australia S.Morrison hôm 19/9/2021 tuyên bố trước báo giới,Chính phủ Pháp đáng lẽ ra nên được biết rằng Canberra “quan ngại sâu sắc và nghiêm túc” về năng lực được trang bị trên tàu ngầm lớp Attack sẽ không đáp ứng những lợi ích chiến lược.

Chính phủ Pháp ngay lập tức bác bỏ khẳng định của Washington rằng, đã có nhiều tiếp xúc khác với Pháp để thông tin về liên minh này, trước khi thông báo chính thức. Trên thực tế, khủng hoảng về vụ hợp đồng tàu ngầm Australia đã phơi bày nhiều mâu thuẫn khó dung hòa giữa Pháp và Mỹ, cũng như giữa EU và Washington.

Tác động sâu sắc đến an ninh khu vực

Theo các nhà phân tích nước ngoài, nhiều quốc gia trong khu vực có chung cảm giác bị Trung Quốc đe dọa đã ngay lập tức hoan nghênh hiệp ước mới này. AUKUS sẽ tạo ra một động lực mạnh mẽ cho cuộc họp trực tiếp đầu tiên của các nhà lãnh đạo Bộ Tứ gồm Mỹ, Australia, Ấn Độ và Nhật Bản, dự kiến diễn ra tại Washington vào ngày 24/9/2021.

AUKUS sẽ tác động đến tương quan lực lượng ở châu Á-Thái Bình Dương, trong lúc đội tàu Trung Quốc đã vượt qua Hải quân Mỹ về số lượng. Việc triển khai tàu ngầm nguyên tử tấn công được cho là mối đe dọa thực sự cho các hoạt động của hải quân Trung Quốc và thúc đẩy nguy cơ xung đột vũ trang. Ông Mathieu Duchâtel, Viện Montaigne nhấn mạnh, dù đã có nhiều tiến bộ về chống tàu ngầm, đây vẫn là một trong những điểm yếu chính của Trung Quốc. Khi chuyển giao một công nghệ mà cho đến nay chỉ mới chia sẻ với Anh, Washington muốn chặn ngang sức mạnh quân sự đang lên của Bắc Kinh. Mục tiêu của trang bị tàu ngầm hạt nhân cho Australia là nhằm tăng cường khả năng răn đe trong trường hợp Trung Quốc đơn phương tấn công Đài Loan hay gây hấn trên Biển Hoa Đông và Biển Đông.

Gây chia rẽ ngay trong chính nội bộ của Australia

Lo ngại tác động của cuộc khủng hoảng ngoại giao đối với chủ quyền và lợi ích quốc gia của Canberra, cựu Thủ tướng Australia P.Keating là người chỉ trích gay gắt nhất quan hệ đối tác AUKUS. Phóng viên TTXVN dẫn lời ông Keating trên tờ The Australian ngày 17/9/2021 cảnh báo mối quan hệ đối tác mới sẽ khiến Australia phải “vật lộn” với những khó khăn cao độ trong việc phát triển và duy trì một hạm đội tàu ngầm hạt nhân vũ trang thông thường sẽ được chuyển giao trong khuôn khổ AUKUS. Đồng thời, ông nhận định Mỹ không còn có thể thắng trong bất kỳ cuộc cạnh tranh nào với Trung Quốc để giành vị trí số một ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương khi các cam kết chiến lược của Washington không còn được tin tưởng sau khi cường quốc này rút khỏi Afghanistan. Tương tự, cựu Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Australia H.White - Giáo sư danh dự về nghiên cứu chiến lược tại Đại học Quốc gia Australia (ANU) cho rằng quyết định sử dụng tàu ngầm hạt nhân là “bước đi sai lầm” vì nó sẽ không giúp ích gì cho Mỹ để đánh bại hoặc răn đe Trung Quốc.

AUKUS ra đời đánh dấu sự chuyển biến, gây xáo trộn lớn trong bàn cờ địa chiến lược thế giới. Điều đó cho thấy: (1) Chính sách của Tổng thống Mỹ J.Biden không khác chính quyền Tổng thống D.Trump - chỉ có nước Mỹ trước hết trong các lợi ích chiến lược. (2) VớiAnh, thỏa thuận này là giai đoạn quan trọng hậu Brexit, đặt nước Anh vào chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương nhằm thực hiện tham vọng “Nước Anh toàn cầu” mà Thủ tướng Morris đã đặt ra; (3) AUKUS là bước ngoặt để các quốc gia đầu tàu cài đặt lại vai trò của EU trên thế giới. Châu Âu sẽ đứng ở đâu trong cuộc đối đầu Mỹ-Trung sẽ là câu hỏi cần được làm sáng tỏ. (4) Các nước trong khu vực cần định vị lại vị trí của mình trong bản đồ địa chính trị thế giới, đồng thời phải có sự tỉnh táo, cân nhắc kỹ càng về chiến lược tránh bị cuốn vào cuộc chơi một cách thụ động, nhưng cũng tránh để bị động, bất ngờ trở thành “quân cờ vô giá trị”.

Thiếu tướng, PGS.TS Đinh Ngọc Hoa

Phó Giám đốc Học viện Chính trị CAND

 

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Các tin khác

Xem nhiều nhất

Liên kết website