Khi tuyên bố rút quân hoàn toàn khỏi lãnh thổ Afghanistan (31.8.2021), truyền thông quốc tế đã công kích mạnh mẽ vào sự thất bại ê chề của Mỹ tại chiến trường này. Nhưng xem xét từ góc nhìn chiến lược, việc rút quân của Mỹ là có ý đồ và để lại nhiều cạm bẫy khó lường mà những quốc gia muốn thay thế Mỹ dễ mắc phải. Cơ hội, thách thức luôn song hành và tương lai của Afghanistan cũng như những nước thế chân Mỹ sẽ ra sao, đang là vấn đề thu hút sự chú ý của toàn thế giới.
1. Nguyên nhân khiến Mỹ rút khỏi Afghanistan
Cuộc chiến kéo dài tiêu tốn nhiều tiền của và nhân lực: Sau sự kiện 11.9.2001, Mỹ đưa quân vào Afghanistan (07.10.2001) trên danh nghĩa tiêu diệt khủng bố đã lật đổ chế độ Taliban và thành lập nhà nước Afghanistan dưới sự bảo trợ của Mỹ. Tròn 20 năm trải qua 4 đời Tổng thống, đã có gần 1 triệu lượt binh lính Mỹ tham gia chiến trường này. Thời điểm đỉnh cao (8.2010) có khoảng 100.000 lính Mỹ tham chiến tại đây. Hàng nghìn lính Mỹ thiệt mạng (~2.500); hàng chục nghìn người bị thương (~21.000) và tiêu tốn của nước Mỹ hàng nghìn tỷ USD (~2.300 tỷ). Từ lâu, Mỹ đã muốn rút quân khỏi Afghanistan, tuy nhiên, vì “sỹ diện” và nhiều lý do khác, khiến nhiều đời Tổng thống Mỹ chưa thể thực hiện.
Không thể thiết lập được chính quyền Hồi giáo thân Mỹ, khiến Mỹ sa lầy tại chiến trường này: Tiêu tốn tiền của, nhân lực là quá lớn, nhưng dường như Mỹ không thu lượm được nhiều trong cuộc chiến ở đây. Mục tiêu thành lập Nhà nước cai quản Afghanistan thân Mỹ không đạt được. Khi Mỹ tuyên bố rút khỏi chiến trường này thì chỉ sau một thời gian ngắn, Taliban dường như đã “bất chiến tự nhiên thành”. Các thành phố, tỉnh lỵ, kể cả thủ phủ Kabul thất thủ trong “nháy mắt”. Với một thế cờ như vậy, việc kéo dài thời gian sẽ chỉ làm gia tăng tổn thất.
Tập trung nguồn lực “cài đặt” lại trật tự thế giới, giành lợi thế trong cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc và Nga: Việc điều quân đi khắp các chiến trường trên thế giới, say sưa với cuộc chiến chống khủng bố khiến cho nguồn lực của Mỹ bị tiêu hao, suy giảm. Trong bối cảnh đó, cạnh tranh chiến lược Mỹ-Trung ngày càng trở nên căng thẳng khiến sức mạnh của Mỹ giảm đi tương đối. Vì vậy, để đối phó với 1 Trung Quốc đang trỗi dậy cùng tham vọng “thay Mỹ” bá chủ hoàn cầu, sức mạnh Mỹ cần được tập trung. Không ai hơn ngoài Trung Quốc chắc chắn hiểu rằng việc Mỹ rút quân khỏi Afghanistan đồng nghĩa với việc Washington có thêm các nguồn lực và tài sản để tập trung vào đối đầu với Bắc Kinh. Phát biểu về tình hình Afghanistan sau khi Kabul thất thủ (16.8.2021), Tổng thống Mỹ J.Biden nhận định: “Các đối thủ cạnh tranh chiến lược thực sự của chúng ta - Trung Quốc và Nga - chắc chắn sẽ muốn Mỹ tiếp tục dành hàng tỷ USD tài nguyên và sự chú ý vào việc ổn định Afghanistan vô thời hạn”.
2. Cơ hội và những cạm bẫy mà Mỹ để lại
Rút quân khỏi Afghanistan, Mỹ để lại “khoảng trống” mà nhiều nước muốn nhảy vào thay thế. Trong đó, Trung Quốc dường như có sự chuẩn bị kỹ càng và khả thi hơn cả. Bởi, những cơ hội mà Trung Quốc mong đợi khi Mỹ buộc phải rút khỏi Afghanistan, gồm:
Tiện thể dạy cho Washington một bài học: Mượn thời cơ được cho là Mỹ thất bại “ê chề”, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị liền “giáo huấn” cho người đồng cấp Mỹ A.Blinken. Trong cuộc điện đàm ngày 16.8.2021, khi cho rằng những sự kiện đang diễn ra ở Afghanistan chứng tỏ khó có thể tạo dựng chỗ đứng ở một quốc gia có lịch sử, văn hóa và bối cảnh hoàn toàn khác chỉ bằng cách sao chép một cách máy móc các mô hình của nước ngoài, Vương Nghị khuyên: Những bài học như vậy đáng được Washington suy ngẫm và rút kinh nghiệm một cách nghiêm túc.
Kỳ vọng vào một vùng đệm chiến lược: Là một quốc gia lục địa, Afghanistan có vị trí địa lý nằm trên ngã tư của lục địa Á-Âu, tiếp giáp với Trung Quốc ở phía Đông, Iran ở phía Tây và với Pakistan ở phía Nam cùng các nước Trung Á ở phía Bắc. Afghanistan được xem là điểm nút trọng yếu của “Vành đai kinh tế, Con đường tơ lụa”, bởi cả Iran và Pakistan đều là đối tác chiến lược quan trọng của Trung Quốc trong Sáng kiến “Vành đai và Con đường” (BRI). Trong tương lai, nếu tham gia BRI và việc triển khai thông suốt, Afghanistan sẽ là nhân tố đóng vai trò tích cực trong tiến trình xây dựng hệ thống kinh tế lục địa Á-Âu của Trung Quốc. Về chính trị, khi Afghanistan được coi là trung tâm địa lý cũng sẽ củng cố đáng kể cơ sở của Liên minh ba bên Trung Quốc-Nga-Iran, tăng cường mối liên kết nội bộ của liên minh này.
Kiểm soát nguồn tài nguyên phong phú: Afghanistan là quốc gia có nguồn tài nguyên khoáng sản khá phong phú. Ước tính, trữ lượng quặng sắt của Afghanistan khoảng 10 tỷ tấn; đồng, vàng và quặng molipden khoảng 30 triệu tấn; đá cẩm thạch 30 tỷ m3, khí đốt tự nhiên có khoảng 1.180 tỷ đến 19.150 tỷ m3, dầu mỏ khoảng từ 391 triệu-3,56 tỷ thùng. Tuy nhiên, do chiến tranh, nên các hoạt động khảo sát bị ngừng trệ, nên những số liệu nêu trên có thể thấp hơn nhiều so với thực tế. Điều đó có sức hấp dẫn đặc biệt đối với Trung Quốc, nhất là trong bối cảnh đối đầu chiến lược Trung-Mỹ liên tục leo thang. Bởi xét cho cùng, là nước công nghiệp lớn nhất thế giới, nguồn cung nguyên liệu ổn định chắc chắn là ưu tiên hàng đầu của Trung Quốc. Hơn nữa, trong bối cảnh phần lớn các mỏ khoáng sản hiện có trên thế giới đều do phương Tây kiểm soát cùng cuộc đối đầu Trung-Mỹ, đây là điều mà Trung Quốc rất muốn thực hiện. Hơn nữa, với vị trí địa lý cùng những thù hận của Afghanistan với Mỹ và phương Tây, khi khoáng sản của quốc gia này được khai thác với quy mô lớn chỉ có thể cung cấp cho Trung Quốc. Với trình độ khoa học lạc hậu và cơ sở hạ tầng bị tàn phá trong chiến tranh, nhu cầu đầu tư lớn, sẽ trở thành khoản đầu tư béo bở và Afghanistan đương nhiên trở thành một trong những “mỏ vàng” của Trung Quốc.
Tháng tám mùa Thu 2021, khi cả thế giới “căng mọi giác quan” theo dõi tình trạng hỗn loạn đang diễn ra trên toàn lãnh thổ Afghanistan thì truyền thông nhà nước và cư dân mạng ở một số quốc gia lại “tổ chức ăn mừng” càng làm cho thất bại của Mỹ và liên quân thêm đau đớn. Đồng thời, có quốc gia sớm đưa triển vọng và sự tin tưởng hợp tác với chính quyền mới ở Afghanistan. Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Hoa Xuân Oánh lạc quan: “Một số người nói rằng họ không tin tưởng Taliban của Afghanistan. Tôi cho rằng không có gì là không thay đổi. Chúng ta nên nhìn vào cả quá khứ lẫn hiện tại. Chúng ta không nên chỉ lắng nghe những gì họ nói mà còn phải nhìn vào những gì họ làm”. Nhưng đằng sau sự “hả hê”, có phần lạc quan đó lại là những vấn đề đáng quan ngại. Bởi Mỹ rời đi, nhưng đang để lại ở Afghanistan không chỉ là “mớ hỗn độn” mà còn là những cạm bẫy khó lường khiến những quốc gia đang “ăn mừng” phải tính đến. Theo các nhà bình luận nước ngoài, hiện Trung Quốc đang rơi vào tình thế khó khăn khi phải đối phó đồng thời với một Afghanistan bất ổn và một nước Mỹ không còn bị giàng buộc bởi một cuộc chiến khó kiểm soát. Cạm bẫy và thách thức mà Trung Quốc sẽ đối mặt bao gồm:
(1) Biên giới bất ổn: Trung Quốc sẽ hết sức lo ngại nếu Taliban cho phép các chiến binh thuộc Phong trào Hồi giáo Đông Turkestan (ETIM) sử dụng Afghanistan làm căn cứ để tiến hành các cuộc tấn công nhằm vào nước này. Bắc Kinh cho rằng ETIM là một tổ chức khủng bố đang tìm cách thúc đẩy phong trào đòi độc lập ở khu vực Tân Cương bất ổn, vốn có chung đường biên giới với Afghanistan. Bên cạnh ETIM, còn có nhóm Tehrik-i-Taliban Pakistan (được gọi là Pakistan Taliban), vốn là tổ chức đứng sau vụ đánh bom tự sát nhằm vào một khách sạn nơi Đại sứ Trung Quốc đang ở tại thành phố Quetta của Pakistan cũng là nhân tố có thể gây bất ổn mà Trung Quốc không thể không tính đến.
Mặt khác, thành công của Taliban có thể gây hiệu ứng domino, kích động tinh thần các chiến binh ở các nước láng giềng của Afghanistan, bao gồm Pakistan và các nước Trung Á khác - nơi Trung Quốc có nhiều lợi ích kinh tế. Hành lang kinh tế Trung Quốc-Pakistan (CPEC) - một kế hoạch đầu tư trị giá hơn 60 tỷ USD trong khuôn khổ Sáng kiến “Vành đai và Con đường” (BRI) của Trung Quốc nhằm kết nối miền Tây nước này với cảng biển Gwadar ở phía Nam Pakistan - là giải pháp then chốt giúp nước này tiếp cận Ấn Độ Dương. Hiện khá đông chiến binh người Duy Ngô Nhĩ, hầu hết đều trung thành với Phong trào Hồi giáo Đông Turkestan, vẫn đang hoạt động ở nhiều tỉnh của Afghanistan. Taliban đã “đảm bảo” rằng, sẽ không để Afghanistan trở thành căn cứ triển khai hoạt động chống Trung Quốc ở Tân Cương cũng như gây bất ổn với Nga và Ấn Độ. Tuy nhiên, đây chỉ là “lời hứa” ban đầu trước những quan ngại an ninh của các nước này. Lãnh đạo chương trình nghiên cứu Nam Á tại Viện Hudson - Hussain Haqqani (cựu Đại sứ Pakistan tại Mỹ) nhận định, chiến thắng của Taliban không chỉ là một vấn đề địa phương, mà sẽ tạo ra một “thánh địa” an toàn cho phong trào thánh chiến toàn cầu. Không những thế hiện những nước có chung đường biên với Afghanistan còn phải đối phó với dòng người tị nạn đông đúc tràn qua biên giới.
(2) Vấn đề vũ khí, khí tài mà Mỹ để lại trên đất nước Afghanistan: Sau 20 năm đưa gần 1 triệu lượt binh lính cùng một khối lượng khổng lồ vũ khí, khí tài và các phương tiện chiến tranh sang Afghanistan, trong khi trở về lại vội vã, Mỹ không thể mang hết về và cũng không thể tiêu hủy sạch. Những vũ khí này vô tình lại trở thành phương tiện chiến tranh tăng cường sức mạnh cho Taliban mà nước ngoài không cần “viện trợ”. Vũ khí hiện đại trong tay những chiến binh thiện chiến sẽ trở thành hiểm họa khôn lường với những người hàng xóm láng giềng vốn không được coi là thân thiện.
(3) Liệu rằng Taliban đã có thỏa hiệp với Mỹ? Trước khi Kabul thất thủ (15.8.2021) phần lớn quá trình chuyển giao quyền lực ở Kabul và các tỉnh mà Taliban đang kiểm soát đều diễn ra thông qua đàm phán. Các phương tiện truyền thông đã chỉ ra điều trớ trêu rằng, cuộc chuyển giao quyền lực của Tổng thống Mỹ hồi tháng 01.2021 còn diễn ra không êm đẹp như thế. Điều đó dấy lên sự nghi ngờ có căn cứ về một sự thỏa hiệp ngầm trước khi Mỹ rút quân.
3. Các vấn đề hóc búa mà chính quyền mới ở Afghistan phải giải quyết thời “hậu Mỹ”
Nội bộ Taliban có bị chia rẽ hay không? Theo các nhà bình luận quốc tế, Taliban hiện rất khác so với những năm 1990 khi không còn là một tổ chức chính trị, mà giống một liên minh vũ trang. Nội bộ có nhiều phe phái, hơn nữa mỗi phe đều có lực lượng vũ trang riêng. Đồng thời, hiện Taliban không có một thủ lĩnh chính trị và tinh thần tuyệt đối giống như Mullah Mohammad Omar để có thể kiểm soát được toàn cục. Lãnh tụ tối cao Haibatullah Akhundzada được các nhà bình luận đánh giá như một nhân vật đóng vai trò cân bằng giữa các phe phái, nhưng thiếu khả năng kiểm soát tuyệt đối. Khi các phe phái đều có kẻ thù chung thì Taliban có thể ổn định nội bộ, nhưng khi phân chia quyền lực, thì khó có thể biết điều gì sẽ xảy ra.
Năng lực kiểm soát đất nước của Taliban: Phó Tổng thống Saleh và con trai của Massoud đang cố thủ ở Panjshir vẫn đang tuân theo đường lối của Chính phủ cũ, chống lại Taliban. Ở các khu vực do Taliban kiểm soát do Chính phủ Afghanistan thất bại nhanh chóng, nên nhiều nơi trên thực tế không phải do Taliban dựa vào thực lực, mà là do có nhiều bộ tộc và lãnh chúa đầu hàng. Khi nắm quyền, Taliban sẽ phải xử lý như thế nào với lực lượng này - đưa vào hệ thống quản trị hay để mặc tình hình, thậm chí tiêu diệt là điều cần được tiếp tục quan sát. Nếu Taliban không thể bình ổn được các phe phái bên trong và đối phó hiệu quả với các lực lượng quân sự bên ngoài, thì nội chiến có thể nổ ra và Afghanistan lại chìm trong bất ổn.
Nguy cơ mất an ninh lương thực nghiêm trọng: Tổng diện tích của Afghanistan khoảng 650.000 km2, phần lớn là núi đá và sa mạc ít mưa, cơ bản không có công nghiệp, còn ngành nông nghiệp và chăn nuôi vẫn duy trì theo hình thức truyền thống, trong khi quốc gia này có tới hơn gần 40 triệu dân.
Với điều kiện địa lý và nền sản xuất của Afghanistan, cùng nhiều năm chiến tranh, vấn đề bảo đảm lương thực dĩ nhiên là một gánh nặng lớn. Trước đây Mỹ là nơi cũng cung cấp tài chính và lương thực cho Chính phủ Afghanistan, do đó phần nào lương thực của người dân được đảm bảo. Hiện Mỹ đã rút đi, thì bảo đảm đủ lương thực đã trở thành một vấn đề lớn với bộ máy chính quyền. Giải pháp về lương thực có thể là nhập khẩu hoặc kêu gọi các nước giúp đỡ. Tuy nhiên, tài chính của Taliban hiện gặp nhiều khó khăn khi tài khoản cũ bị phong tỏa và nguồn thu hết sức eo hẹp từ một nền kinh tế suy kiệt bị tàn phá sau hơn 4 thập niên chiến tranh. Trong bối cảnh đó, đại dịch khiến sản lượng lương thực toàn cầu giảm, chuỗi cung ứng bị đứt gãy, chi phí vận tải tăng cao, giá lương thực đến tay người tiêu dùng tăng mạnh, nên việc nhập khẩu đủ lương thực của Afghanistan là giải pháp thiếu khả thi. Việc kêu gọi viện trợ có thể chỉ đáp ứng được nhu cầu tối thiểu trong giai đoạn đầu. Bởi đảm bảo an ninh lương thực cho 40 triệu dân trong dài hạn dựa vào nguồn viện trợ là không chắc chắn. Để mất an ninh lương thực tất sẽ dẫn đến hỗn loạn xã hội và nguy cơ nội chiến.
Xây dựng hình ảnh một quốc gia “bình thường” trên bình diện quốc tế? Trên thực tế, điều này cũng có ý nghĩa sống còn đối với sự tồn tại và phát triển của Taliban. Nếu vẫn giữ hình ảnh “kẻ thù chung của nhân loại”, Taliban không thể thiết lập quan hệ bình thường với các nước và các tổ chức quốc tế, chưa kể thù hận của phương Tây dành cho họ. Đồng thời, ngay cả những nước có tiềm năng hợp tác như Trung Quốc, Nga và Iran cũng sẽ e dè trong quan hệ với Taliban.
Kiểm soát sản xuất, buôn bán ma túy và chủ nghĩa khủng bố: Sản xuất, buôn bán ma túy và chứa chấp chủ nghĩa khủng bố đã phá vỡ giới hạn của một quốc gia bình thường. Nếu tình trạng trồng cây thuốc phiện, sản xuất ma túy và che chở, dung túng cho các tổ chức khủng bố không được kiểm soát, thì chưa nói đến cộng đồng quốc tế hay Trung Quốc, Nga, Iran, mà ngay cả những người anh em dòng Sunni tại Saudi Arabia và Pakistan cũng khó để công khai hợp tác.
Thay cho lời kết
Sau 20 năm, dưới sự bảo trợ của nước ngoài, chính quyền và quân đội của Afghanistan hoàn toàn tan rã trong vòng chưa đầy nửa tháng. Sự sụp đổ nhanh chóng gây bất ngờ với cả hệ thống tình báo vốn được đánh giá rất cao của Mỹ và phương Tây. Trong đời sống chính trị quốc tế, kết cục trên gây nên tình cảnh “kẻ khóc, người cười” là điều dễ lý giải. Tuy nhiên, chính thể mới liệu có đứng vững hay không tùy thuộc vào hiệu quả chăm lo đời sống của 40 triệu người dân và việc giải quyết hài hòa quan hệ quốc tế vốn hết sức phức tạp. Một quốc gia thịnh vượng là nhân tố tạo dựng một khu vực thịnh vượng, góp phần vào hòa bình, ổn định và phát triển trên thế giới. Afghnistan ổn định cũng chính là mong ước của nhân loại tiến bộ nói chung và của Chính phủ và nhân dân Việt Nam nói riêng.
Nguyễn Đình Thiện
Phạm Thị Huế
Học viện Chính trị CAND