“Made in China 2025” dưới góc nhìn cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung

Được “trình làng” từ năm 2015, Kế hoạch Made in China 2025 được xem là chìa khóa để đưa Trung Quốc trở thành cường quốc về sản xuất và khoa học công nghệ trong những lĩnh vực mũi nhọn. Tuy nhiên, việc thực hiện Kế hoạch nói trên đang vấp phải không ít khó khăn, nhất là khi những tham vọng và chiến thuật thực hiện ẩn chứa trong Kế hoạch đã bị Mỹ và phương Tây  phát hiện, phanh phui.

1. Kế hoạch “Made in China 2025”

Được cho là lấy cảm hứng từ một nghiên cứu về sáng kiến “Công nghiệp 4.0” của Đức, kể từ khi được công bố vào năm 2015, “Made in China 2025” trở thành một phần then chốt trong cấu trúc phức hợp gồm các kế hoạch và chính sách với mục đích tạo ra “sự phát triển theo định hướng đổi mới” của Trung Quốc. Kế hoạch này dự kiến kéo dài trong 10 năm nhằm nhanh chóng phát triển 10 ngành sản xuất công nghiệp, công nghệ cao của Trung Quốc với đích đến là trở thành “siêu cường sản xuất”. Ngành chủ đạo là ôtô điện và các phương tiện sử dụng năng lượng mới, công nghệ thông tin và viễn thông thế hệ mới, công nghiệp chế tạo robot tiên tiến và trí tuệ nhân tạo. Các ngành mũi nhọn khác bao gồm: Công nghệ nông nghiệp; kỹ thuật hàng không vũ trụ; các vật liệu tổng hợp mới; thiết bị điện tiên tiến; ngành y sinh học mới nổi; cơ sở hạ tầng đường sắt cao cấp và kỹ thuật hàng hải công nghệ cao… Kế hoạch “Made in China 2025” đặt ra mục tiêu đến năm 2025, Trung Quốc đạt 70% mức “tự cung tự cấp” trong các ngành công nghiệp công nghệ cao; đến năm 2049, sẽ “thống trị” thị trường toàn cầu.

Với mục tiêu cốt lõi là thúc đẩy “đổi mới bản địa” nhằm cho phép Trung Quốc “chấn hưng dân tộc”. Tại Đại hội XIX (10/2017), Tổng Bí thư, Chủ tịch Tập Cận Bình nhấn mạnh: Trung Quốc sẽ làm việc nhanh hơn để trở thành nhà sản xuất chất lượng và phát triển sản xuất tiên tiến, thúc đẩy hội nhập Internet, dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo (AI) vào nền kinh tế thực hơn nữa; thúc đẩy các lĩnh vực tăng trưởng mới và tăng trưởng tiêu dùng trung bình-cao cấp; phát triển theo định hướng đổi mới, nền kinh tế xanh, khí thải thấp, nền kinh tế chia sẻ, các chuỗi cung ứng hiện đại và dịch vụ vốn, nhân lực. Theo đó, Trung Quốc sẽ hỗ trợ các ngành công nghiệp truyền thống tự nâng cấp bản thân; đẩy nhanh sự phát triển của các ngành dịch vụ hiện đại để nâng chúng lên các tiêu chuẩn quốc tế; đưa các ngành công nghiệp Trung Quốc lên đến tầm trung-cao cấp của chuỗi giá trị toàn cầu và thúc đẩy một số nhóm sản xuất tiên tiến đẳng cấp thế giới.

Khi đề cập đến trí tuệ nhân tạo, Chủ tịch Tập yêu cầu phải thúc đẩy sự phát triển của một thế hệ AI mới để Trung Quốc đạt được thế chủ động trong cuộc cạnh tranh về khoa học và công nghệ toàn cầu. Ông yêu cầu doanh nghiệp và các nhà quản lý Trung Quốc phải chiếm lĩnh các đỉnh cao của “công nghệ then chốt và cốt lõi”, gồm: Công nghệ cơ bản, công nghệ thường được sử dụng; công nghệ bất đối xứng, hay công nghệ “con át chủ bài” và công nghệ tiên tiến, hay công nghệ đột phá.

Theo các nhà nghiên cứu, ý tưởng này không phải duy nhất là của cá nhân Tập Cận Bình, mà đã có một sự nhất quán của các nhà lãnh đạo Trung Quốc trong giải quyết và theo đuổi các mục tiêu. Kể từ những cải cách thị trường của nhà lãnh đạo Đặng Tiểu Bình vào những năm 1980, Trung Quốc đã luôn theo đuổi một nền kinh tế hỗn hợp, trong đó kết hợp giữa lập kế hoạch của Nhà nước với các yếu tố của doanh nghiệp tư nhân. Trong những thập niên gần đây, Trung quốc đã thực hiện các bước chuyển dịch kinh tế từ nền sản xuất dựa vào nhân công giá rẻ, mang lại giá trị gia tăng thấp - chủ yếu là lĩnh vực khai khoáng, năng lượng và hàng tiêu dùng sang một nền kinh tế công nghệ, năng suất cao, giá trị gia tăng lớn. Đến thời kỳ Hồ Cẩm Đào nắm quyền, trong báo cáo công tác tại Đại hội Đảng lần thứ XVIII (11/2012) đã kêu gọi Trung Quốc “thúc đẩy sự tăng trưởng mạnh mẽ của các ngành công nghiệp chiến lược mới nổi và các ngành sản xuất tiên tiến, tăng tốc quá trình chuyển đổi và nâng cấp các ngành công nghiệp truyền thống”.

2. Mục tiêu và tham vọng siêu cường của Trung Quốc trong Kế hoạch “Made in China 2025”

“Made in China 2025” được đưa ra trong bối cảnh kinh tế Trung Quốc có nhiều biến động, việc thực hiện kế hoạch được các nhà bình luận cho rằng, Trung Quốc hướng tới các mục tiêu chính sau:

Khôi phục tốc độ phát triển trong bối cảnh nền kinh tế Trung Quốc đang hạ cánh mềm: Những năm gần đây, kinh tế Trung Quốc đang trong giai đoạn giảm tốc, việc nắm bắt những ngành công nghiệp và công nghệ mới nổi được coi là phương tiện then chốt để duy trì và cải thiện tăng trưởng. Việc theo đuổi những tiến bộ khoa học trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 được các nhà lãnh đạo Trung Quốc xem là vấn đề mang tính sống còn, bảo đảm khôi phục tốc độ tăng trưởng trong tình hình mới.

Đuổi theo và vượt lên trên các nước: Trong một thế giới mà ở đó công nghệ và đổi mới đã trở thành vấn đề toàn cầu, Trung Quốc đã tìm kiếm “sự tự cung tự cấp” để độc lập, tự chủ trong các công nghệ cốt lõi trên một loạt các ngành công nghiệp ưu tiên. Một cách ngấm ngầm nhưng rõ ràng, mục tiêu trở thành siêu cường sản xuất của Trung Quốc cho thấy tham vọng không chỉ đơn thuần là bắt kịp các nền kinh tế tiên tiến khác mà còn vượt qua và thay thế họ để đạt được vị trí thống trị trong các ngành này trên toàn thế giới.

Trở thành siêu cường về khoa học và công nghệ: Thời điểm hiện tại được Trung Quốc coi là một cơ hội lịch sử, tại đó có sự hội tụ giữa một cuộc cách mạng khoa học công nghệ mới và cuộc chuyển đổi mô hình phát triển kinh tế của nước này. Tất nhiên, đích đến cuối cùng của kế hoạch này là vào năm 2049, Trung Quốc trở nên “có đẳng cấp thế giới” với tư cách là một siêu cường về khoa học và công nghệ.

Lộ rõ tham vọng cạnh tranh vị thế lãnh đạo thế giới với Mỹ: Trong giai đoạn hiện nay, Mỹ và Trung Quốc là 2 nước lớn và quan hệ Mỹ-Trung trở thành trục chính định hình quan hệ và trật tự thế giới của thế kỷ XXI. Mặc dù không có những tiêu chí cứng về một siêu cường, tuy nhiên các nhà phân tích dường như đã có sự thống nhất khi đánh giá về một cường quốc thế giới thông qua các yếu tố diện tích, dân số; điều kiện tự nhiên và phải là cường quốc về chính trị, quân sự, kinh tế và khoa học công nghệ.

Một là, về diện tích, dân số và điều kiện tự nhiên: Trung Quốc đương nhiên là một nước lớn với diện tích đứng thứ 3 thế giới và số dân lớn nhất toàn cầu. Với đường bờ biển kéo dài hớn 18.000km, những năm qua, Trung Quốc đã đầu tư lớn nhằm đưa nước này trở thành cường quốc thống trị đại dương khu vực, từng bước nuôi tham vọng trở thành cường quốc đại dương thế giới. Việc hiện đại hóa hải quân, cải tạo và đưa vào sử dụng tàu sân bay Liêu Ninh, đóng tàu sân bay mới và tìm cách thâu tóm nhiều hải cảng quan trọng trên thế giới là những minh chứng cho tham vọng này.

Hai là, sau 4 thập niên tăng trưởng với tốc độ cao, Trung Quốc vươn mình trỗi dậy, trở thành nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới và tràn trề hy vọng trở thành nền kinh tế lớn nhất toàn cầu vào những thập niên tới. Tuy nhiên, nếu xét theo tiêu chí GDP/người, Trung Quốc phải nhiều thập niên tiếp theo mới có thể đạt được như Mỹ và các nước phát triển hiện tại.

Ba là, về chính trị, ngoại giao: Trung Quốc đã từ bỏ chiến lược “Giấu mình chờ thời, trỗi dậy hòa bình” mà nhà lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình đặt ra từ 40 năm về trước để bộc lộ và khẳng định mình thông qua “Giấc mộng Trung Hoa”. Với chiến lược “Vành đai và Con đường”, Trung Quốc kỳ vọng sẽ trở thành trung tâm với 2 cánh tay giang rộng “con đường tơ lụa” và “con đường tơ lụa trên biển thế kỷ XXI” nhằm “ôm trọn” thế giới. Tuy nhiên, tham vọng của Trung Quốc bị phương Tây cáo buộc là không từ bỏ bất kỳ biện pháp nào để buộc các nước phải lệ thuộc và đem lại lợi ích cho mình. Chính sách “ngoại giao, bẫy nợ” đã khiến nhiều nước trên thế giới đứng trước nguy cơ “sập bẫy”.

Bốn là, về quân sự: Cùng với sức mạnh kinh tế, sức mạnh quân sự của Trung Quốc không ngừng được củng cố, tăng cường. Ngoài tiềm lực vũ khí hạt nhân chưa từng được đề cập, sức mạnh hải, lục, không quân của nước này đang ngày càng phát triển. Với khoảng 3 triệu quân, quân đội Trung Quốc (PLA) là đội quân đông nhất thế giới. Bên cạnh đó, đầu tư trang bị, vũ khí cho quân đội nước này cũng từng bước được hiện đại hóa. Nhất là lực lượng hải quân, phòng không và không quân. Ngân sách quốc phòng của Trung Quốc liên tục tăng nhanh qua các năm (từ năm 2011-2020, ngân sách quốc phòng của Trung Quốc lần lượt là: 93; 106; 119; 134; 145; 147; 154; 175; 178; 179 tỷ USD). Bên cạnh đó, bất chấp dư luận và luật pháp quốc tế, Trung Quốc đang đẩy nhanh “quân sự hóa” các đảo trên Biển Đông thuộc chủ quyền của Việt Nam nhằm hình thành chuỗi “đảo ngọc”.

Năm là, về khoa học công nghệ: Nếu đặt lên “bàn cân” dễ nhận thấy rằng, trường hợp Trung Quốc dẫn đầu thế giới về sản xuất và khoa học công nghệ, nhất là những ngành mũi nhọn thì Mỹ khó duy trì vị thế siêu cường duy nhất trong một thế giới đơn cực. Chính điều đó đã khiến Mỹ và đồng minh phải “giật mình” về sự lớn mạnh của Trung Quốc trên nhiều phương diện.

3. Chiến thuật thực hiện “Made in China 2025” của Trung Quốc cùng những chỉ trích, cáo buộc và hành động của Mỹ

Để thực hiện Kế hoạch, Trung Quốc đã đặt ra các mục tiêu công khai, phối hợp “bán chính thức” và có kênh dự phòng, ban lãnh đạo Trung Quốc khuyến khích các doanh nghiệp tư nhân và nhà nước định hình việc ra quyết định của họ xoay quanh các ưu tiên của kế hoạch này. Thực hiện Kế hoạch của Trung Quốc được các nhà bình luận quốc tế khái quát bằng những chiến thuật sau:

Cung cấp các khoản trợ cấp trực tiếp: Chính phủ Trung Quốc gia tăng hỗ trợ trực tiếp cho các ngành công nghiệp thuộc kế hoạch “Made in China 2025” thông qua tài trợ Nhà nước, cho vay lãi suất thấp, giảm thuế và các khoản trợ cấp khác. Ước tính, con số trợ cấp của Chính phủ cho các doanh nghiệp đã lên tới hàng trăm tỷ USD.

Đầu tư và thu mua nước ngoài: Các công ty Trung Quốc, cả tư nhân lẫn nhà nước, đã được khuyến khích đầu tư vào các công ty nước ngoài, đặc biệt là các công ty sản xuất chất bán dẫn, để giành quyền tiếp cận công nghệ tiên tiến. Giá trị các thương vụ mua bán của Trung Quốc ở Mỹ đạt đỉnh điểm vào năm 2016 với hơn 45 tỷ USD. Nhiều doanh nghiệp đi đầu về công nghệ của Trung Quốc như Huawei và ZTE được Chính phủ hỗ trợ mặc dù do tư nhân điều hành.

Thực hiện “thỏa thuận” chuyển giao “cưỡng ép”: Các công ty nước ngoài tố cáo, để đầu tư hoặc kinh doanh ở Trung Quốc, họ phải liên doanh với các doanh nghiệp Trung Quốc theo những điều kiện nhất định. Họ phải chia sẻ quyền sở hữu trí tuệ và các bí quyết công nghệ tiên tiến. Như để minh chứng cho những cáo buộc trên, nhà nghiên cứu cấp cao của CFR Brad W.Setser giải thích, Trung Quốc đã sử dụng các quy tắc liên doanh của họ để có được các công nghệ bên ngoài từ đường sắt cao tốc cho đến pin xe điện.

Sử dụng tình báo công nghiệp quy mô lớn: Gần đây, các biện pháp mà nhờ đó Trung Quốc theo đuổi sự tiến bộ công nghệ đã gây ra sự quan ngại mạnh mẽ trong giới lãnh đạo Mỹ và phương Tây về sự “trục lợi”. Những chiến thuật này bị Mỹ và phương Tây cáo buộc bao gồm “trộm cắp” tài sản trí tuệ (IP), “chuyển giao công nghệ ép buộc” cũng như các khoản trợ cấp có mục tiêu bị bóp méo và bị chứng minh là gây hại nghiêm trọng.

Trước thực tế trên, Washington đã chỉ trích và cáo buộc: Chính sách của Trung Quốc dựa trên sự phân biệt đối xử trong đầu tư nước ngoài, cưỡng ép chuyển giao công nghệ, đánh cắp tài sản trí tuệ và gián điệp không gian mạng khiến Tổng thống Mỹ phải đánh thuế đối với hàng hóa Trung Quốc, ngăn chặn một số thương vụ do Trung Quốc hậu thuẫn nhằm mua lại các công ty công nghệ cao.

Hành động của Mỹ: Chính sách công nghiệp của Trung Quốc nhằm mục tiêu mở rộng nhanh các lĩnh vực công nghệ cao và phát triển cơ sở sản xuất tiên tiến của nước này, nhưng D.Trump và các nhà lãnh đạo của các nước công nghiệp phát triển coi kế hoạch này là một mối đe dọa. Trước những mục tiêu và chiến thuật thực hiện Kế hoạch “Made in China 2025”, Mỹ và phương Tây đã tập trung chỉ trích, cáo buộc và de dọa sử dụng biện pháp cứng rắn đối với Trung Quốc trên nhiều phương diện.

Các nhà hoạch định chính sách, các quan chức an ninh ở Mỹ và phương Tây ngày càng coi nỗ lực của Trung Quốc nhằm trở thành một bên tham gia vượt trội trên lĩnh vực công nghệ tiên tiến là vấn đề “an ninh quốc gia”. Năm 2017, Lầu Năm Góc cảnh báo, đầu tư do Nhà nước Trung Quốc dẫn dắt vào các công ty Mỹ trong lĩnh vực phần mềm nhận diện khuôn mặt, in 3D, các hệ thống thực tế ảo và các phương tiện tự động là một mối đe dọa vì những sản phẩm đó đã “xóa nhòa ranh giới” giữa công nghệ dân sự và quân sự.

Tháng 4/2018, cơ quan tình báo Mỹ cáo buộc Trung Quốc tuyển dụng các nhà khoa học nước ngoài cùng hành vi “trộm cắp tài sản trí tuệ” của Mỹ và các thương vụ mua lại có mục đích các công ty Mỹ đã tạo thành “mối đe dọa chưa từng có” đối với ngành công nghiệp nước này. Báo cáo của Nhà Trắng công bố hồi tháng 6/2018 đã cảnh báo, các động thái kinh tế của Trung Quốc đe dọa “không chỉ nền kinh tế Mỹ mà còn với hệ thống đổi mới toàn cầu”.

Kể từ khi phát động chiến tranh (6/7/2018), tác động thương chiến của Mỹ đối với nền kinh tế Trung Quốc ngày càng trở nên sâu sắc và rõ nét hơn. Trong đó, có một số ngành công nghiệp được ưu tiên trong chính kế hoạch “Made in China 2025”. Ngoài mục tiêu giảm thâm hụt thương mại, Chính quyền D.Trump trong nhiệm kỳ trước và J.Biden đương nhiệm đều hướng vào ngăn chặn sự trỗi dậy của Trung Quốc với tư cách một đối thủ cạnh tranh chiến lược. Ngày 10/5/2019, Mỹ đã áp dụng mức thuế 10%-25% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc trị giá 250 tỷ USD, đồng thời đe dọa đánh thuế 45% đối với toàn bộ hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc; siết chặt kiểm soát đối với đầu tư của Trung Quốc vào các công ty công nghệ của Mỹ; đưa ra các lệnh trừng phạt đối với sản phẩm xuất khẩu của một số công ty công nghệ của Trung Quốc. Ảnh hưởng của những hành động trên đã được cảm nhận rõ ràng với việc nhiều công ty đa quốc gia chuyển cơ sở sản xuất ra khỏi Trung Quốc, đe dọa nền kinh tế và kế hoạch nâng cấp công nghệ của nước này.

Trước những chỉ trích, cáo buộc và ảnh hưởng từ các biện pháp về kinh tế, thương mại của Mỹ, báo chí Trung Quốc phần nào đã giảm bớt những lời ca tụng đối với Kế hoạch “Made in China 2025”. Tuy nhiên, việc Trung Quốc sẽ trì hoãn Kế hoạch là điều ít có khả năng xảy ra. Trái lại, với sức ép ngày càng tăng từ bên ngoài, đặc biệt là việc Mỹ đe dọa trừng phạt các sản phẩm công nghiệp và công nghệ chủ chốt của Trung Quốc có thể trở thành động lực, thúc đẩy Bắc Kinh dành thêm nguồn lực tài chính và các biện pháp hành chính vào việc nâng cấp công nghệ, bảo đảm khả năng tự cung tự cấp cho các ngành công nghiệp có tính chiến lược nhất. “Lợi bất cập hại” và “già néo đứt dây” vẫn sẽ là những câu chuyện thường tình xảy ra trong đời sống kinh tế, chính trị thế giới. Và số phận “Made in China 2025” vẫn chưa có hồi kết trong cạnh tranh chiến lược Mỹ-Trung.

Tựa như một nước không thể có 2 vua và dĩ nhiên thế giới không thể tồn tại đồng thời 2 siêu cường cùng tranh chấp ngôi lãnh đạo thế giới. Cạnh tranh chiến lược Mỹ-Trung được xem như một tất yếu trong bối cảnh thế giới đương đại. Với Việt Nam, cạnh tranh chiến lược Trung-Mỹ vừa mang lại những thời cơ thu hút đầu tư phát triển kinh tế, thương mại, vừa đem đến những thách thức, khó khăn, nhất là tạo thế cân bằng nước lớn trong quan hệ ngoại giao, tránh bị cuốn vào “vòng xoáy cuộc chơi” của 2 cường quốc. Trong bối cảnh đó, đòi hỏi các cấp, các ngành phải luôn tỉnh táo, tận dụng tốt cơ hội, đồng thời có những giải pháp phù hợp vượt qua khó khăn tạo bước đột phá phát triển trên mọi lĩnh vực.

 

GS.TS Bùi Quảng Bạ

ThS Phạm Thị Huế

Học viện Chính trị CAND

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Các tin khác

Xem nhiều nhất

Liên kết website