YẾU TỐ TRUNG QUỐC VÀ NGA TRONG CHIẾN LƯỢC AN NINH QUỐC GIA CỦA MỸ 2022

Tóm tắt: Ngày 12.10.2022, tại Nhà Trắng, chính quyền của Tổng thống Mỹ J.Biden đã công bố Chiến lược an ninh quốc gia 2022. Đây được xem như chiến lược hành động của chính quyền của Tổng thống J.Biden trong bối cảnh địa chính trị quốc tế có nhiều biến động. Mặc dù, Chiến lược đề cập đến nhiều lĩnh vực với không gian rộng trên phạm vi toàn cầu, nhưng yếu tố Trung Quốc và Nga chiếm dung lượng lớn nhất trong toàn văn Chiến lược.

  Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ảnh: Reuters

1. Tổng quan về Chiến lược An ninh của Mỹ 2022

Chiến lược an ninh quốc gia Mỹ được công bố lần đầu tiên vào năm 1987 dưới thời của cựu Tổng thống R.Reagan do nhánh hành pháp soạn thảo và đệ trình nhằm xác định những thách thức lớn đối với an ninh quốc gia của Mỹ và biện pháp đối phó. Dưới thời của Tổng thống J.Biden, đây là lần đầu tiên Mỹ đưa ra Chiến lược an ninh quốc gia thay thế cho phiên bản tạm thời được thông qua vào tháng 3/2021. Chiến lược nhận định: Thập kỷ này sẽ có ý nghĩa quyết định trong việc thiết lập các quy tắc cạnh tranh giữa Mỹ với Trung Quốc, quản lý mối đe dọa nghiêm trọng do Nga gây ra và trong nỗ lực của Mỹ nhằm đối phó với thách thức chung, đặc biệt là biến đổi khí hậu, đại dịch và bất ổn kinh tế. Nếu không hành động khẩn trương và sáng tạo, cánh cửa cơ hội để Mỹ định hình tương lai của trật tự quốc tế và giải quyết các thách thức chung sẽ đóng lại.

Về những thách thức chiến lược mà Mỹ đang phải đối mặt, Chiến lược đề cập 2 thách thức lớn, gồm:

Một là, duy trì sự thống trị những giá trị theo tiêu chuẩn Mỹ. Mỹ nhận định, thời kỳ hậu Chiến tranh Lạnh đã kết thúc và một cuộc cạnh tranh giữa các nước lớn nhằm định hình tương lai đang diễn ra. Không một quốc gia nào có khả năng giành chiến thắng trong cuộc cạnh tranh này hơn Mỹ, chừng nào họ vẫn chung sức đồng lòng vì sự nghiệp chung với những nước cùng chia sẻ tầm nhìn về một thế giới tự do, cởi mở, an toàn và thịnh vượng.

Hai là, đối phó với những vấn đề toàn cầu và an ninh phi truyền thống trở thành vấn đề cốt lõi đối với an ninh quốc gia và quốc tế.

Chiến lược an ninh quốc gia Mỹ cho rằng: Trong bối cảnh cạnh tranh địa chính trị ngày càng tăng, chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa dân túy khiến hợp tác trở nên khó khăn hơn. Điều đó đòi hỏi phải tư duy và hành động theo những cách thức mới. Trong khi cuộc cạnh tranh này đang diễn ra, người dân trên toàn thế giới đang phải chật vật đối phó với ảnh hưởng của các thách thức chung xuyên biên giới - cho dù đó là biến đổi khí hậu, tình trạng mất an ninh lương thực, bệnh truyền nhiễm, khủng bố, tình trạng thiếu năng lượng hay lạm phát.

Từ đó, Chiến lược đánh giá: Những thách thức chung này không phải là những vấn đề thứ yếu so với địa chính trị, mà là những vấn đề cốt lõi đối với an ninh quốc gia và quốc tế, do đó phải được chú trọng không kém.

Về xác định vai trò của Mỹ, Chiến lược nhấn mạnh ưu thế Mỹ, đồng thời chỉ trích các quốc gia đang nổi lên trong cạnh tranh với Mỹ nhằm định hình một trật tự thế giới mới.

Các điểm mạnh vốn có của Mỹ được thể hiện trong Chiến lược gồm: Sự khéo léo, sáng tạo, bền bỉ và quyết tâm của người dân; các giá trị, sự đa dạng và các thể chế dân chủ; vị trí lãnh đạo về công nghệ và sự năng động về kinh tế; các phái đoàn ngoại giao, các chuyên gia về phát triển, cộng đồng tình báo và quân đội của Mỹ - vẫn là độc nhất vô nhị.

Thế giới đang ngày càng bị chia rẽ và bất ổn. Lạm phát toàn cầu gia tăng kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát đã khiến cuộc sống của nhiều người trở nên khó khăn hơn. Các đạo luật và nguyên tắc cơ bản chi phối quan hệ giữa các nước, bao gồm cả Hiến chương Liên hợp quốc - Văn kiện bảo vệ các nước trước nguy cơ bị các nước láng giềng xâm lược hay dùng vũ lực để vẽ lại ranh giới của họ, đang bị đe dọa. Nguy cơ xung đột giữa các nước lớn đang tăng lên. Các nước dân chủ và chuyên chế đang bước vào một cuộc cạnh tranh để chứng tỏ hệ thống quản lý nào có khả năng đáp ứng tốt nhất nhu cầu của người dân nước họ và thế giới. Cạnh tranh trong việc phát triển và triển khai các công nghệ nền tảng nhằm tạo ra những biến đổi về an ninh và kinh tế đang trở nên gay gắt. Hợp tác toàn cầu về các vấn đề chung đang giảm dần, cho dù nhu cầu hợp tác có ý nghĩa sống còn. Quy mô của những thay đổi này, cũng như rủi ro từ việc “án binh bất động”, tăng dần theo từng năm.

Cách tiếp cận Chiến lược của Mỹ: Về mục tiêu, Mỹ muốn có một trật tự quốc tế tự do, cởi mở, thịnh vượng và an toàn theo tiêu chuẩn Mỹ - trật tự tự do.

Về phương châm hành động: Để đạt được mục tiêu, Chiến lược an ninh Mỹ 2022 xác định 3 phương châm nỗ lực. Theo đó, Mỹ sẽ: 1) Đầu tư vào các nguồn và công cụ cơ bản của sức mạnh và sức ảnh hưởng của Mỹ; 2) Xây dựng liên minh mạnh nhất có thể giữa các quốc gia, nhằm nâng cao ảnh hưởng tập thể để định hình môi trường chiến lược toàn cầu và giải quyết các thách thức chung; 3) Hiện đại hóa và tăng cường quân đội để họ được trang bị sẵn sàng cho kỷ nguyên cạnh tranh chiến lược với các cường quốc lớn, đồng thời duy trì khả năng phá vỡ mối đe dọa khủng bố đối với nước Mỹ.

2. Yếu tố Trung Quốc và Nga trong Chiến lược an ninh của Mỹ năm 2022

Chiến lược an ninh quốc gia Mỹ năm 2022 xác định là phải vượt qua Trung Quốc và kiềm chế Nga. Với Trung Quốc, Chiến lược đề cập và nhấn mạnh đến những vấn đề chính sau:

Xác định Trung Quốc là đối thủ chính của Mỹ trong cạnh tranh chiến lược ở thập niên này và trong cả thế kỷ XXI. Theo đó, Chiến lược nhận định: Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh duy nhất vừa có mục tiêu định hình lại trật tự quốc tế vừa ngày càng có sức mạnh kinh tế, ngoại giao, quân sự và công nghệ để làm điều đó. Bắc Kinh có tham vọng tạo ra một phạm vi ảnh hưởng hơn nữa ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và trở thành cường quốc hàng đầu thế giới.

Chiến lược này cũng thừa nhận, Trung Quốc là thách thức địa chính trị có ảnh hưởng lớn nhất của Mỹ. Mặc dù Mỹ cho rằng, hiện Nga gây ra một mối đe dọa trực tiếp và liên tục đối với trật tự an ninh khu vực ở châu Âu, là nguồn gốc gây gián đoạn và bất ổn trên toàn cầu, nhưng Nga không có khả năng gây tác động trên phạm vi rộng như Trung Quốc.

Cáo buộc những thủ đoạn của Trung Quốc: Chiến lược cáo buộc, Trung Quốc đang sử dụng năng lực công nghệ và ảnh hưởng ngày càng tăng của mình đối với các tổ chức quốc tế để áp đặt các điều kiện dễ dàng hơn cho mô hình chuyên chế của chính mình, đồng thời đưa ra khuôn mẫu cho việc sử dụng công nghệ cũng như chuẩn mực công nghệ trên toàn cầu nhằm tạo đặc quyền cho các lợi ích và giá trị của chính mình. Bắc Kinh thường sử dụng sức mạnh kinh tế để cưỡng ép các nước khác. Nước này hưởng lợi từ sự mở cửa của nền kinh tế quốc tế trong khi hạn chế khả năng tiếp cận thị trường nội địa, họ tìm cách khiến cho thế giới phụ thuộc nhiều hơn vào Trung Quốc đồng thời giảm sự phụ thuộc của chính mình vào thế giới.

Thể hiện lập trường cứng rắn với Trung Quốc, Chiến lược nhấn mạnh: Sẽ buộc Trung Quốc phải chịu trách nhiệm về các vi phạm - tội diệt chủng và các tội ác chống lại loài người ở Tân Cương, các vi phạm nhân quyền ở Tây Tạng, việc phá bỏ quyền tự trị và tự do của HongKong - ngay cả khi Trung Quốc tìm cách gây sức ép để buộc các quốc gia và cộng đồng phải im lặng. Mỹ sẽ tiếp tục ưu tiên đầu tư vào một quân đội chiến đấu giàu năng lực nhằm ngăn chặn những hành vi gây hấn chống lại các đồng minh và đối tác của Mỹ trong khu vực, đồng thời giúp các đồng minh và đối tác đó tự vệ.

Đánh giá về năng lực quân sự của Trung Quốc, Chiến lược nhận định: Trung Quốc đầu tư phát triển quân đội và đang nhanh chóng hiện đại hóa, mở rộng năng lực ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, đồng thời nước này cũng đang tăng cường sức mạnh và vươn ra toàn cầu - tất cả là nhằm tìm cách làm xói mòn các liên minh của Mỹ trong khu vực và trên toàn thế giới.

Chiến lược của Mỹ đối với Trung Quốc có ba mục tiêu: 1) Đầu tư vào nền tảng sức mạnh trong nước - khả năng cạnh tranh, khả năng đổi mới sáng tạo, khả năng phục hồi và nền dân chủ; 2) Gắn kết các nỗ lực của Mỹ với mạng lưới đồng minh và đối tác, cùng hành động với mục đích chung và vì sự nghiệp chung. Trong đó, đặc biệt nhấn mạnh đến các Hiệp ước và Thỏa thuận giữa Mỹ với Hàn Quốc, Nhật Bản và Ấn Độ (QUAD); giữa Mỹ với Anh và Australia (AUKUS); hoặc giữa Mỹ với Ấn Độ, Israel và UAE (I2-U2)... Đồng thời, khẳng định tăng cường hợp tác với các đồng minh truyền thống trên toàn thế giới; 3) Cạnh tranh có trách nhiệm với Trung Quốc để bảo vệ lợi ích quốc gia và xây dựng tầm nhìn cho tương lai. Cuộc cạnh tranh với Trung Quốc được thể hiện rõ rệt nhất ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, nhưng nó cũng ngày càng lan ra toàn cầu. Trên khắp thế giới, cuộc thi viết lại luật chơi và định hình những mối quan hệ chi phối các vấn đề toàn cầu đang diễn ra ở mọi khu vực và trên các lĩnh vực kinh tế, công nghệ, ngoại giao, phát triển, an ninh và quản trị toàn cầu.

Về vấn đề Đài Loan, Chiến lược xác định: Mỹ luôn quan tâm đến việc duy trì hòa bình và ổn định ở eo biển Đài Loan, địa bàn rất quan trọng đối với an ninh và thịnh vượng của khu vực và toàn cầu, đồng thời là vấn đề được cộng đồng quốc tế quan tâm và chú ý. Mỹ phản đối bất kỳ hành vi nào đơn phương thay đổi hiện trạng xuất phát từ Đài Loan hay Trung Quốc và không ủng hộ Đài Loan độc lập. Mỹ vẫn cam kết thực hiện chính sách một Trung Quốc theo định hướng của Đạo luật Quan hệ Đài Loan, Ba thông cáo chung và Sáu Đảm bảo. Mỹ cũng sẽ duy trì các cam kết hỗ trợ khả năng tự vệ của Đài Loan theo Đạo luật Quan hệ Đài Loan và duy trì năng lực chống lại bất kỳ biện pháp cưỡng ép nào đối với Đài Loan.

Phản ứng trước Chiến lược an ninh quốc gia Mỹ, Mao Ninh - người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ngày 13.10.2022, đã chỉ trích Mỹ mang tư duy từ thời Chiến tranh lạnh và âm điệu của chính sách từ thời Tổng thống D.Trump nhằm hạn chế Trung Quốc, kích động xung đột địa chính trị và vấn đề Đài Loan gây ảnh hưởng đến quan hệ Mỹ-Trung. Theo đó, Trung Quốc cho rằng với tư cách là những nước lớn, cả Mỹ và Trung Quốc cần cùng nhau đóng góp vào hòa bình, ổn định và sự thịnh vượng chung trên toàn thế giới.

Với Nga, Chiến lược tập trung chỉ trích Chính phủ Nga và ngầm đặt mục tiêu lật đổ chính quyền của Tổng thống Putin: Trong thập kỷ qua, Chính phủ Nga đã chọn theo đuổi chính sách đối ngoại mang khuynh hướng chủ nghĩa đế quốc với mục tiêu đảo lộn các yếu tố then chốt của trật tự quốc tế. Đỉnh điểm là một cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine nhằm lật đổ Chính phủ của nước này và đưa nước này vào tầm kiểm soát của Nga… Chiến lược của Mỹ cũng cáo buộc: Nga cũng đã can thiệp một cách trắng trợn vào nền chính trị Mỹ và gây chia rẽ người dân Mỹ. Các hành động gây bất ổn của Nga không chỉ giới hạn trên trường quốc tế. Trong nước, Chính phủ Nga dưới thời Tổng thống Putin vi phạm quyền công dân, trấn áp phe đối lập và đóng cửa các cơ quan truyền thông độc lập. Nước Nga hiện có một hệ thống chính trị trì trệ và không đáp ứng được nhu cầu của người dân.

Mỹ đã điều chỉnh mức hỗ trợ an ninh gần như kỷ lục để đảm bảo Ukraine có đủ phương tiện để tự vệ. Mỹ đã cung cấp hỗ trợ nhân đạo, kinh tế và phát triển để củng cố Chính phủ dân cử, có chủ quyền của Ukraine và giúp đỡ hàng triệu người tị nạn buộc phải rời bỏ mái nhà của họ. Mỹ sẽ tiếp tục sát cánh với người dân Ukraine trong cuộc chiến đấu chống lại sự xâm lược trắng trợn của Nga. Và Mỹ sẽ kêu gọi thế giới yêu cầu Nga phải chịu trách nhiệm về những hành động tàn bạo mà Nga đã gây ra trên khắp Ukraine.

Mỹ đang chung sức với đồng minh và đối tác biến cuộc chiến của Nga ở Ukraine thành một thất bại chiến lược. Trên toàn châu Âu, NATO và Liên minh châu Âu đã kề vai sát cánh chống lại Nga và bảo vệ các giá trị chung. Mỹ đang kiềm chế Nga trong các lĩnh vực kinh tế chiến lược, bao gồm cả quốc phòng và không gian vũ trụ, và Mỹ sẽ tiếp tục cản trở các nỗ lực của Nga nhằm làm suy yếu và gây bất ổn cho các nước có chủ quyền cũng như làm suy yếu các thể chế đa phương. Mỹ đang cùng với các đồng minh trong NATO tăng cường hệ thống phòng thủ và răn đe, nhất là ở sườn phía Đông của liên minh.

Lý giải cho việc mở rộng NATO, Chiến lược cho rằng, việc kết nạp Phần Lan và Thụy Điển vào NATO sẽ cải thiện hơn nữa an ninh và năng lực của họ. Mỹ cũng tiếp tục tập trung vào việc tăng cường khả năng chống chịu tập thể trước các mối đe dọa chung từ Nga, kể cả các mối đe dọa phi đối xứng. Nói rộng ra, cuộc chiến của Putin đã làm giảm đáng kể vị thế của Nga so với Mỹ và các cường quốc khác ở châu Á như Ấn Độ và Nhật Bản. Sức mạnh mềm và ảnh hưởng ngoại giao của Moskva đã giảm, trong khi các nỗ lực của họ nhằm biến năng lượng thành vũ khí đều phản tác dụng. Phản ứng toàn cầu mang tính lịch sử đối với cuộc chiến của Nga ở Ukraine gửi đi thông điệp mạnh mẽ rằng các nước không thể hưởng lợi từ hội nhập toàn cầu bằng cách giẫm đạp lên các nguyên tắc cốt lõi của Hiến chương Liên hợp quốc. Theo đó, Chiến lược an ninh quốc gia 2022 của Mỹ nhấn mạnh:

(1) Mỹ sẽ tiếp tục ủng hộ Ukraine trong cuộc chiến đấu vì tự do, giúp họ khôi phục kinh tế và khuyến khích nước này hội nhập khu vực với Liên minh châu Âu. (2) Mỹ sẽ bảo vệ từng tấc đất của NATO, đồng thời sẽ tiếp tục xây dựng và tăng cường liên minh với các đồng minh và đối tác nhằm ngăn chặn Nga tiếp tục gây tổn hại đến an ninh, nền dân chủ và các thể chế của châu Âu; (3) Mỹ sẽ ngăn chặn và nếu cần sẽ phản ứng lại những hành động đe dọa lợi ích của Mỹ từ phía Nga, kể cả các cuộc tấn công của nước này vào cơ sở hạ tầng và nền dân chủ Mỹ; (4) Mỹ sẽ không cho phép Nga, hay bất kỳ cường quốc nào khác, đạt được mục đích thông qua việc sử dụng, hoặc đe dọa sử dụng, vũ khí hạt nhân. Mỹ vẫn quan tâm đến việc duy trì sự ổn định chiến lược và phát triển một cơ sở hạ tầng lớn hơn, minh bạch hơn, có thể thẩm tra và đáng tin cậy hơn để kiểm soát vũ khí nhằm thực hiện thành công hiệp ước START mới. Mỹ cũng quan tâm đến việc tái xây dựng các thỏa thuận an ninh châu Âu đã bị sụp đổ vì hành động của Nga. Cuối cùng, Mỹ sẽ duy trì và phát triển các mô hình tương tác thiết thực để giải quyết các vấn đề mà trong đó việc hợp tác với Nga có thể mang lại lợi ích cho cả hai bên.

Kích động thay đổi Chính phủ ở Nga: Chiến lược có đoạn: Mỹ tôn trọng người dân nước Nga và những đóng góp của họ cho lĩnh vực khoa học, văn hóa và quan hệ mang tính kiến tạo giữa hai nước trong nhiều thập kỷ qua. Mặc dù Chính phủ Nga đã mắc sai lầm chiến lược khi tiến hành tấn công Ukraine, nhưng chính người dân nước Nga sẽ quyết định tương lai đất nước họ trong vị thế một cường quốc có khả năng một lần nữa đóng vai trò tích cực trong các vấn đề quốc tế. Mỹ sẽ chào đón một tương lai như vậy, đồng thời sẽ tiếp tục đẩy lùi cuộc tấn công do Chính phủ Nga thực hiện.

Như vậy, được đánh giá là không có nhiều nội dung mới, nhưng Chiến lược an ninh quốc gia Mỹ 2022 được xem như một chiến lược hành động mà trọng tâm là nhằm vào Trung Quốc và Nga - với tư cách là những đối thủ chính của Mỹ trong cạnh tranh địa chiến lược và vai trò lãnh đạo ở khu vực và trên phạm vi toàn cầu. Thế giới ngày nay còn đó, hàng loạt những vấn đề gai góc mang tính toàn cầu cần giải quyết nhằm duy trì hòa bình, ổn định và phát triển. Hơn lúc nào hết, với tư cách là những nước lớn, các quốc gia cần phải có sự kiềm chế, hợp tác chặt chẽ với nhau hơn, tránh đi vào ngõ cụt nếu không muốn thành tựu chung của loài người đạt được trong suốt mấy nghìn năm bị hủy diệt./.

Nguyễn Đình Thiện

Tài liệu tham khảo

1. Chiến lược An ninh quốc gia Mỹ 2022, (Nhà Trắng, ngày 12/10/2022). Nguồn: TTXVN.

2. Nga còn có thể tin tưởng vào lời hứa của lãnh đạo phương Tây? Nguồn: TTXVN (Moskva 25/9).

 

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Các tin khác

Xem nhiều nhất

Liên kết website