Luận cứ góp phần phê phán quan điểm sai trái về chính sách đối ngoại quốc phòng “Bốn không” của Việt Nam

Ngày 25/11/2019, Bộ Quốc phòng công bố Sách trắng Quốc phòng Việt Nam, khẳng định lập trường, quan điểm và chính sách “bốn không” trong quan hệ đối ngoại quốc phòng. Sau sự kiện trên, đây đó xuất hiện quan điểm cho rằng, Việt Nam thực hiện chính sách “bốn không” là trái với xu thế thời cuộc, sẽ không có bạn chí cốt nên dễ bị cô lập trong những tình huống nguy hiểm. Để xác lập luận cứ phê phán quan điểm nói trên cần nắm chắc những vấn đề lớn như: Hiểu đúng về chính sách “bốn không” và hoàn cảnh thực hiện? Cội nguồn sức mạnh dân tộc, chủ trương, đường lối đối ngoại quốc phòng của Đảng và Nhà nước ta; Mục đích của quan điểm sai trái nêu trên?…

1. Về chính sách quốc phòng “bốn không” của Việt Nam

Chính sách “bốn không” trong Sách Trắng Quốc phòng đã thể hiện quyết tâm bảo vệ lợi ích quốc gia của Việt Nam mà không sử dụng vũ lực. Theo đó, Việt Nam chủ trương không tham gia liên minh quân sự; không liên kết với nước này để chống nước kia; không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ Việt Nam để chống lại nước khác; không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế.

Như vậy, chính sách Quốc phòng của Việt Nam mang tính chất hòa bình và tự vệ; kiên trì, kiên quyết đấu tranh giải quyết mọi tranh chấp, bất đồng bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế; tích cực, chủ động ngăn ngừa, đẩy lùi nguy cơ chiến tranh, thực hiện phương châm bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, sẵn sàng chống chiến tranh xâm lược. Việt Nam kiên định mục tiêu, nguyên tắc chiến lược, vận dụng sách lược mềm dẻo, linh hoạt; chủ động ứng phó với âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, sự biến động phức tạp của tình hình.

Tiến sỹ Olli Pekka Suorsa, Trường nghiên cứu quốc tế S.Rajaratnam, Singapore (RSIS) nhận định: “Chính sách 'bốn không' của Việt Nam tăng thêm sự minh bạch và giúp xây dựng lòng tin trong khu vực và quốc tế, khi chúng ta đang bước sang 2020”; trong khi Tiến sỹ Collin Koh Swee Lean, cùng trường với Tiến sỹ Suorsa cho rằng, “Việt Nam muốn thể hiện chính sách quốc phòng hòa bình, không chỉ giúp khẳng định lợi ích quốc gia ở Biển Đông, mà còn cho thấy Hà Nội là một đối tác có tinh thần xây dựng với an ninh khu vực và quốc tế, đặc biệt khi Việt Nam gia tăng hợp tác quốc phòng với các nước”.

Giáo sư Carl Thayer, Học viện Quốc phòng Australia, Đại học New South Wales cho rằng, trong cuộc họp báo công bố Sách Trắng Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh đã cho thấy cách thức giải quyết “vừa hợp tác vừa đấu tranh” của Việt Nam trước sự những diễn biến phức tạp ở Biển Đông. Đồng thời, ông cũng nhắc lại lời của Thứ trưởng Quốc phòng Việt Nam rằng, “Việt Nam tìm điểm đồng để cùng phát huy, cùng phát triển, nhưng chúng ta cũng mạnh dạn nêu ra điểm bất đồng, điểm khác biệt để đấu tranh bảo vệ lợi ích quốc gia dân tộc. Trong các đối tác, những mặt nào xâm hại đến chủ quyền quốc gia, đến độc lập, toàn vẹn lãnh thổ thì chúng ta đấu tranh, không có khoan nhượng”.

Không liên minh quân sự, về bản chất là thực hiện đa dạng hóa quan hệ đối ngoại quốc phòng, là sự hội nhập rộng hơn, sâu hơn với cộng đồng quốc tế trên mọi lĩnh vực, trong đó có quốc phòng, an ninh.

Việt Nam khẳng định, không liên minh quân sự, không đồng nghĩa với việc đóng cửa khép kín, thực hiện “bế quan, tỏa cảng” trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh mà còn là sự tăng cường quan hệ với cộng đồng quốc tế trên lĩnh vực này. Đặc biệt, với 2 đối tác quan trọng là Mỹ và Trung Quốc, Việt Nam coi trọng tăng cường hợp tác quốc phòng với cả hai bên.

Với Mỹ, Việt-Mỹ đã thực hiện các cuộc đối thoại và chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao, các chuyến thăm của tàu hải quân, hỗ trợ nâng cao năng lực thực thi nhiệm vụ. Có thể nói, quan hệ Việt-Mỹ đã khởi đầu từ chiến tranh, xuyên qua “mùa đông giá lạnh” để đi đến sự hiểu biết, chia sẻ, khép lại quá khứ, cùng nhau hướng tới một tương lai tốt đẹp.

Với Trung Quốc, hai nước cũng có các chuyến thăm cấp cao lẫn nhau, diễn tập chung, bảo vệ biên giới, gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc, công nghệ quốc phòng. Theo Tiến sỹ Suorsa, “Việt Nam có thể tiếp tục tăng hợp tác đa dạng với Mỹ. Đồng thời Việt Nam cũng duy trì  hợp tác với Trung Quốc, đi đôi với việc tăng cường năng lực của mình”.

Hoàn cảnh thực hiện chính sách quốc phòng “bốn không”: Cần phải hiểu, chính sách quốc phòng “bốn không” được thực hiện trong thời bình. Các mối quan hệ đối ngoại của Việt Nam với các nước được xác lập trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền cùng có lợi, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau. Tùy theo diễn biến của tình hình thời cuộc và trong những điều kiện cụ thể, Việt Nam sẽ cân nhắc phát triển các mối quan hệ quốc phòng, quân sự cần thiết với mức độ thích hợp trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của nhau cũng như các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, hợp tác cùng có lợi, vì lợi ích chung của khu vực và cộng đồng quốc tế.

Điều đó cho thấy, phương châm “dĩ bất biến, ứng vạn biến”, nguyên tắc bất di, bất dịch là chủ quyền quốc gia là tối cao, lợi ích quốc gia dân tộc là tối thượng và tính tự tôn, lòng tự hào vẫn sẽ mãi là truyền thống ngàn đời của dân tộc Việt Nam, nhưng sách lược sẽ là “vạn biến”. Trong những hoàn cảnh cụ thể với những điều kiện quốc tế cụ thể, chính sách “bốn không” sẽ được vận dụng linh hoạt nhằm thực hiện những nguyên tắc bất biến nêu trên.

Đi cùng chính sách “bốn không” trong đối ngoại quốc phòng, Việt Nam đang xây dựng lực lượng vũ trang chính quy, tinh nhuệ từng bước hiện đại; xây dựng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức; tuyệt đối trung thành với Đảng, Tổ quốc và Nhân dân; có sức mạnh tổng hợp, sức mạnh chiến đấu ngày càng cao; tổ chức tinh, gọn, mạnh, cơ động, linh hoạt, hiệu quả cao; cơ cấu tổ chức đồng bộ; điều chỉnh, mở rộng, phát triển lực lượng hợp lý, sẵn sàng đáp ứng nhiệm vụ tác chiến.

2. Tự lực cánh sinh, phát huy sức mạnh của toàn dân tộc, xây dựng đường lối đối ngoại quốc phòng độc lập, tự chủ là nền tảng tạo thành sức mạnh bảo vệ Tổ quốc Đảng và Nhà nước ta

Sức mạnh bảo vệ Tổ quốc được hình thành dựa trên sức mạnh tổng hợp của cả nước, của khối đại đoàn kết toàn dân tộc

Được hình thành và hun đúc trong lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, đoàn kết trở thành một truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam. Chính nhờ tinh thần đoàn kết, trên dưới một lòng, Nhân dân ta đã vượt qua mọi gian lao thử thách, đánh thắng mọi kẻ thù xâm lược: Thắng Tống, bình Nguyên, diệt Minh, đạp Thanh… giữ vững non sông bờ cõi, viết nên những trang sử hào hùng của dân tộc Việt Nam.

Trong thời đại Hồ Chí Minh, tư tưởng đại đoàn kết dân tộc được phát huy mạnh mẽ và phát triển đến đỉnh cao. Trong suốt cuộc đời cũng như cả tiến trình lãnh đạo cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi đại đoàn kết là vấn đề chiến lược có ý nghĩa quyết định đến sự sống còn, thành bại của cách mạng nước nhà. Nhận thức rõ chân lý “đẩy thuyền đi là dân, mà lật thuyền cũng là dân”; trung thành và vận dụng sáng tạo học thuyết Mác - Lênin “Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng”; phát huy những giá trị cao đẹp của tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng ta xác định, sức mạnh quốc phòng Việt Nam dựa trên sức mạnh tổng hợp của cả nước, của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, của cả hệ thống chính trị đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự quản lý, điều hành thống nhất của Nhà nước. Đại đoàn kết dân tộc vừa là mục tiêu, vừa là nhiệm vụ hàng đầu, là sợi chỉ đỏ xuyên suốt đường lối cách mạng của Đảng.

Như vậy, liên minh quân sự không phải là khởi nguồn cho sức mạnh quốc phòng của dân tộc Việt Nam, mà sức mạnh bảo vệ Tổ quốc nằm chính trong năng lực nội sinh của dân tộc, đó chính là tinh thần đoàn kết, trên dưới một lòng, trăm nhà như một, cùng nhau tạo dựng non sông, gấm vóc. Nói cách khác, toàn dân tộc cùng chung khát vọng về một giang san phồn vinh, quốc gia hùng cường có thể sánh vai cùng các cường quốc năm châu.

Giải quyết tranh chấp bằng biện pháp ngoại giao, thông qua thương lượng hòa bình là chủ trương nhất quán trong đường lối đối ngoại quốc phòng của Đảng và Nhà nước ta

Là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, Việt Nam tôn trọng và tuân thủ pháp luật quốc tế, đồng thời, Việt Nam đánh giá cao vai trò của Liên hợp quốc trong các hoạt động gìn giữ hòa bình, ngăn ngừa xung đột, chiến tranh; thực thi những chuẩn mực cốt lõi của quan hệ quốc tế trong Hiến chương Liên hợp quốc. Từ chủ trương ủng hộ và tích cực đóng góp vào những nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế vì hòa bình, an ninh và giải trừ quân bị, Việt Nam phản đối các hoạt động chạy đua vũ trang; hoan nghênh những sáng kiến nhằm ngăn chặn việc phát triển, sản xuất, tàng trữ và sử dụng các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt. Giải quyết các vấn đề an ninh phi truyền thống là ưu tiên trong hợp tác quốc phòng của Việt Nam với các nước trong khu vực và trên thế giới; nhằm mở rộng và nâng cao chất lượng hợp tác, cả song phương và đa phương để phòng ngừa, đối phó hiệu quả các thách thức an ninh phi truyền thống và khắc phục hậu quả chiến tranh. 

Việt Nam cam kết thực hiện nghiêm túc nghĩa vụ của nước thành viên công ước, hiệp định, nghị định thư về cấm phổ biến các loại vũ khí hạt nhân, vũ khí hủy diệt hàng loạt, các công ước quốc tế về giải trừ quân bị khác và đang tích cực xem xét, chuẩn bị điều kiện cần thiết để tham gia các công ước, điều ước quốc tế trên lĩnh vực quốc phòng, an ninh.

3. Mục đích của quan điểm cho rằng “Việt Nam thực hiện chính sách bốn không là trái với xu thế thời cuộc, sẽ không có bạn chí cốt nên dễ bị cô lập trong những tình huống nguy hiểm”

Hướng lái Việt Nam tham gia vào các hiệp ước, tổ chức an ninh khu vực, đẩy quan hệ Việt-Trung vào tình thế đối đầu: Trong bối cảnh tình hình Biển Đông đang diễn ra hết sức phức tạp, sự nghiệp đấu tranh bảo vệ quyền và lợi ích của Việt Nam trên Biển Đông đứng trước những khó khăn, thách thức mới quan điểm nêu trên không ngoài mục đích hướng Việt Nam phải tham gia vào các liên minh “tứ giác, ngũ giác” kim cương, ngả về Phương Tây với chiếc ô an ninh do Mỹ đứng đầu.

 Cần nhận rõ rằng, việc hướng lái Việt Nam tham gia vào các hiệp ước, tổ chức an ninh khu vực là nhằm mục tiêu chia tách quan hệ Việt-Trung, đẩy quan hệ Việt-Trung vào tình thế đối đầu. Quan hệ 2 nước Việt-Trung đã có bề dày hàng nghìn năm lịch sử. Truyền thống đó đã được nâng lên một tầm cao mới kể từ khi nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ra đời năm 1945 và nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa được thành lập năm 1949. Sự phát triển của Việt Nam không tách rời quan hệ với hữu nghị với các nước láng giềng, nhất là Trung Quốc. Khẳng định luận điểm này nhằm thấy rõ một mặt ta phải luôn đề cao cảnh giác, kiên định thực hiện nguyên tắc “bất biến”, đảm bảo độc lập, tự chủ, nhưng mặt khác hơn bao giờ hết cần tăng cường quan hệ, hợp tác, tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau. Bởi ngàn đời trước và mãi mãi về sau Việt Nam vẫn luôn là láng giềng với Trung Quốc. Tách rời khỏi quan hệ với các nước láng giềng nói chung và với Trung Quốc nói riêng, sự phát triển của Việt Nam trở nên thiếu bền vững. 

Mục đích “lời khuyên” Việt Nam nên từ bỏ thực hiện chính sách bốn không tức là từ bỏ đường lối đối ngoại quốc phòng độc lập, tự chủ, nên ngả vào, dựa vào một bên thứ ba. Từ nhận định đường lối đối ngoại quốc phòng của Việt Nam đã lỗi thời, trái với xu thế thời cuộc, sẽ không có bạn chí cốt nên sẽ đơn thương, độc mã trong những tình huống nguy hiểm, do đó, Việt Nam cần và phải chọn phe , và nếu vậy, thì chỉ còn cách dựa vào Mỹ, đi với Mỹ.

Gây hoang mang, mất niềm tin của Nhân dân vào Đảng, Nhà nước và cuối cùng là xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng đối với sự nghiệp cách mạng: Cao hơn và cũng là mục đích cuối cùng của quan điểm trên là tuyên truyền cho tư tưởng “đường lối của Đảng, chính sách đối ngoại quốc phòng của Nhà nước là sai lầm” nhằm gây hoang mang, mất niềm tin của Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, vào chế độ, từng bước xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng đối với cách mạng Việt Nam. Quan điểm nêu trên không nằm ngoài chủ nghĩa cơ hội, xét lại chống Đảng, chống Nhà nước ta. Đây cũng là một nội dung trong chiến lược “Diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch trên lĩnh vực đối ngoại quốc phòng, an ninh nhằm thúc đẩy “tự diễn biến, tự chuyển hóa” trong nội bộ.

4. Thực hiện chính sách “bốn không” có trái với xu thế thời cuộc và dẫn tới việc Việt Nam bị cô lập trong những tình huống nguy hiểm không?

Bàn về xu thế thời cuộc: Những năm tới, trên toàn cầu cũng như trong khu vực được dự báo sẽ còn xuất hiện nhiều diễn biến mới, bất định, khó lường; An ninh, chính trị thế giới thay đổi nhanh chóng; Cục diện thế giới chuyển từ “nhất siêu đa cường” theo xu hướng “đa cực, đa trung tâm” sẽ diễn ra nhanh hơn, quyết liệt hơn; Các nước lớn tiếp tục điều chỉnh chiến lược, “vừa hợp tác, thỏa hiệp, vừa cạnh tranh, đấu tranh, kiềm chế lẫn nhau”; Chủ nghĩa “cường quyền áp đặt” cùng với chủ nghĩa “thực dụng” ngày càng thể hiện đậm nét trong quan hệ quốc tế. Tuy nhiên, hòa bình, ổn định hợp tác cùng phát triển vẫn là xu thế lớn của thời đại. Sự phát triển của nhân loại dù phải trải qua những bước quanh co, với nhiều trang đẫm máu, nhưng tiến bộ vẫn là đường hướng, trục chính của lịch sử loài người. Chiến tranh sớm, muộn cũng sẽ phải lùi dần nhường bước cho nhân văn và những điều tốt đẹp. Đánh giá về tình hình thời cuộc, Đảng ta nhận định: “… hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn. Quá trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế tiếp tục được đẩy mạnh. Hợp tác, cạnh tranh, đấu tranh và sự tùy thuộc lẫn nhau, nhất là giữa các nước lớn ngày càng tăng” (1). Vì vậy, phản đối chiến tranh, ủng hộ giải quyết tranh chấp thông qua thương lượng hòa bình là chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước ta và được thể hiện trong chính sách “bốn không” là hoàn toàn đúng đắn, phù hợp với thời cuộc và xu thế chung của lịch sử nhân loại.

Việt Nam có bị cô lập trong những tình huống nguy hiểm khi thực hiện chính sách “bốn không”? “Tình huống nguy hiểm” nêu trên muốn nói đến là chủ quyền, quyền và lợi ích của Việt Nam trên Biển Đông bị xâm hại. Tuy nhiên, với đường lối đối ngoại: Việt Nam là bạn, đối tác tin cậy và là thành viên có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế phấn đấu vì mục tiêu hòa bình, ổn định và phát triển, cùng với sự chính nghĩa trong cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng trên Biển Đông, Việt Nam hoàn toàn không bị cô lập.

Thực tiễn lịch sử đã cho thấy, mọi cuộc chiến tranh phi nghĩa dù có chiến thắng trong trước mắt thì sớm hay muộn cũng sẽ thất bại. Cuộc chiến tranh chính nghĩa dù có gặp khó khăn, thì sớm hay muộn cũng sẽ thành công và khẳng định chân giá trị của nó trong lịch sử nhân loại. Vì vậy, các thế lực thù địch dù có ỷ vào quân đông, thế mạnh gây sức ép, hoặc đe nẹt các nước nhỏ, thể hiện ý đồ bành trướng, bá quyền sẽ không quy tụ được sự đồng thuận của cộng đồng quốc tế, thậm chí sẽ vấp phải sự phản đối gay gắt của các nước, các tổ chức quốc tế. Đứng về phía chính nghĩa, đi cùng chính nghĩa sẽ luôn tụ hội được đông đảo quần chúng Nhân dân tiến bộ trên toàn thế giới. Và như thế, Việt Nam bị cô lập trong những tình huống nguy hiểm là điều không thể xảy ra.

Sau hơn 35 năm đổi mới, thế, lực, cơ đồ, uy tín và sức mạnh tổng hợp của đất nước được tăng cường. Tuy nhiên, khó khăn còn lắm, thách thức còn nhiều. Điều đó đòi hỏi, để hoàn thành được sứ mệnh lịch sử, khẳng định sự trường tồn của quốc gia, dân tộc, đưa đất nước tiếp tục tiến lên hiện thực hóa khát vọng của một dân tộc phồn vinh, hơn lúc nào hết, các cấp, các ngành, nhất là lực lượng vũ trang phải kiên định bản lĩnh chính trị; nắm vững và vận dụng sáng tạo các quan điểm, phương châm, tư tưởng chỉ đạo của Đảng. Đồng thời, luôn mài sắc tinh thần cảnh giác cách mạng; siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đoàn kết, tiếp tục đổi mới sâu sắc và toàn diện các mặt công tác; nắm chắc tình hình, chủ động đấu tranh có hiệu quả với những quan điểm sai trái, làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; bảo vệ vững chắc an ninh quốc gia, giữ vững ổn định chính trị, phục vụ thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong tình hình mới.

 

Nguyễn Đình Thiện

Phạm Hồng Minh

Học viện Chính trị CAND

 

(1) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, H.2016, tr.70.

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Các tin khác

Xem nhiều nhất

Liên kết website