Phát triển nền kinh tế thị trường đồng nghĩa với việc phát triển một thị trường hàng hoá và dịch vụ. Trong vô số các hoạt động dịch vụ đang được quan tâm phát triển và mở rộng thị trường, thì dịch vụ pháp lý nói riêng và các dịch vụ thương mại nói chung có một vị trí quan trọng trong việc thúc đẩy các hoạt động kinh doanh khác trong nền kinh tế. Đặc biệt, trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, dịch vụ pháp lý không những đảm bảo an toàn cho các quan hệ kinh doanh, mà còn đảm bảo các quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể kinh doanh, của các chủ thể có liên quan.
Trong xu thế toàn cầu hoá và hội nhập kinh tế quốc tế, hoạt động dịch vụ pháp lý ngày càng phát huy mạnh mẽ vai trò của mình trong việc thông thương hoá các hoạt động thương mại. Các tiêu chuẩn và điều kiện cho hoạt động dịch vụ pháp lý đã được ghi nhận trong nhiều điều ước quốc tế và khẳng định, nó như một giá đỡ vững chắc cho các hoạt động thương mại quốc tế toàn cầu.
Ở Việt Nam, có lẽ chưa bao giờ trong lịch sử nghề luật, nghề luật sư và việc cung cấp dịch vụ pháp lý lại được coi trọng và thấy cần thiết như giai đoạn hiện nay. Cùng với sự chuyển đổi cơ chế hoạt động của nền kinh tế, nhu cầu về cung cấp dịch vụ pháp lý đã phát triển liên tục, không ngừng. Dịch vụ pháp lý đã góp phần quan trọng trong việc thu hút và khuyến khích hoạt động đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài, thúc đẩy nền kinh tế thị trường Việt Nam phát triển. Dịch vụ pháp lý ở Việt Nam trong thời gian qua đã khẳng định được vị trí cần thiết của mình trong số nhiều loại hình dịch vụ khác của nền kinh tế.
Tuy nhiên, cũng cần khẳng định rằng, muốn hoạt động dịch vụ pháp lý phát triển đúng vai trò, vị trí của nó, đáp ứng nhu cầu thực tiễn đời sống xã hội, cần thiết phải có một hành lang pháp lý cụ thể, vững chắc, làm cơ sở để nó hoạt động. Song thực tiễn pháp luật Việt Nam về dịch vụ pháp lý chưa đáp ứng được điều này. Khái niệm và nội hàm dịch vụ pháp lý vẫn chưa có nhận thức thống nhất, hình thức cung cấp dịch vụ pháp lý còn phân tán, thực tiễn các hoạt động dịch vụ pháp lý trên thị trường còn chồng chéo, thiếu đồng bộ và chưa đem lại hiệu quả mong muốn. Cũng bởi vậy, pháp luật về dịch vụ pháp lý hiện hành chưa đáp ứng được nhu cầu thực tiễn của xã hội, của việc phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, mở cửa và hội nhập kinh tế quốc tế.
Để giúp bạn đọc tìm hiểu về dịch vụ pháp lý trong điều kiện kinh tế thị trường, Nhà xuất bản Lao động xuất bản cuốn sách “Dịch vụ pháp lý ở Việt Nam - Thực trạng và định hướng phát triển” của TS. Nguyễn Văn Tuân, người đã có nhiều năm làm công tác quản lý, nghiên cứu và giảng dạy pháp luật trong lĩnh vực có liên quan đến dịch vụ pháp lý. Cuốn sách gồm 05 chương trình bày có hệ thống những vấn đề mang tính lý luận về dịch vụ pháp lý, sự hình thành chính sách, pháp luật về dịch vụ pháp lý ở Việt Nam, cũng như xu hướng phát triển trong thời gian tới cụ thể:
Chương 1: Những vấn đề lý luận về dịch vụ pháp lý
Chương 2: Dịch vụ pháp lý của luật sư
Chương 3: Dịch vụ pháp lý của các tổ chức xã hội
Chương 4: Trợ giúp pháp lý
Chương 5: Nhu cầu và định hướng phát triển dịch vụ pháp lý ở Việt Nam.
Cán bộ, giảng viên, học viên và đông đảo bạn đọc có thể tham khảo Cuốn sách "Một góc nhìn thời cuộc" tại Phòng đọc Tổng hợp của Thư viện Học viện Chính trị Công an nhân dân.
TRUNG TÂM LƯU TRỮ VÀ THƯ VIỆN